Bài báo "Điệp khúc Lương – giá", thuộc chuyên đề "Lương - chính sách và thực tiễn" trên báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh rằng: Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm tới vấn đề cải cách tiền lương, nhằm nâng cao đời sống người lao động và tạo động lực để phát triển đất nước. Qua đó, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa khi luôn đặt người lao động ở vị trí trung tâm thụ hưởng thành quả lao động.
Tuy nhiên, do Việt Nam mới thoát khỏi mức thu nhập thấp, đang ở mức thu nhập trung bình thấp nên đời sống của người lao động còn gặp nhiều khó khăn.
Theo bài báo, 3 năm qua, đại dịch COVID-19 hoành hành đã khiến nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, phải đối mặt với nguy cơ suy thoái nặng nề.
Chính vì thế, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã chưa thể thực hiện.
Tuy nhiên, Quốc hội đã quyết định tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% từ ngày 1/7/2023 cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách. Đối tượng hưởng lương hưu cũng được hưởng mức tăng tương ứng.
Đây được coi là nỗ lực rất lớn của Quốc hội, Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế nước ta vẫn đang gặp vô vàn khó khăn.
Bài báo nhấn mạnh: Việc quyết định tăng lương là một cố gắng rất lớn của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói riêng, nền kinh tế thế giới nói chung còn đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí là suy thoái đang cận kề.
Liệu có xảy ra tình trạng chưa tăng lương đã tăng giá?
Tuy nhiên, mức tăng này có thực sự mang ý nghĩa cải thiện đời sống người hưởng lương? Liệu có xảy ra tình trạng chưa tăng lương đã tăng giá?
Trên thực tế, nếu loại trừ yếu tố tâm lý đầu cơ, tăng lương không phải là nguyên nhân chính làm tăng lạm phát. Nói cách khác, nếu Chính phủ tăng lương cho người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước mà không làm tăng cung tiền thì lạm phát sẽ không tăng lên.
Theo Bộ Tài chính, nguồn lực để triển khai tăng lương cơ sở được lấy từ nguồn tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi hằng năm.
Như vậy, nguồn chi trả cho việc tăng lương không đến trực tiếp từ việc "in tiền"- tăng cung tiền, nên trên danh nghĩa, việc tăng lương sẽ không làm tăng áp lực lạm phát ở Việt Nam.
Theo Bộ Tài chính, việc tăng lương cơ sở là rất ý nghĩa và cần thiết trong thời điểm này để kịp thời hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc sau đại dịch COVID-19, phù hợp với nguyện vọng của người dân và tình hình kinh tế - xã hội đất nước, tăng lương cũng góp phần phát triển kinh tế chung của cả nước, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Năm 2023, với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ và các cơ quan chức năng, cộng với những tác động không quá lớn của giá cả thế giới, lạm phát được dự báo sẽ không căng thẳng.
Những tháng đầu năm 2023 nguồn cung các mặt hàng nông sản dồi dào, giá ổn định, không tăng giá đột biến.
Thời điểm hiện nay, thời tiết đang thuận lợi, nhiều loại rau đang vào mùa nên các loại rau ăn lá, rau gia vị sản lượng dồi dào, mức giá bán buôn giảm từ 5% đến 10%, nên giá bán lẻ trực tiếp cũng nhanh chóng giảm theo.
Bên cạnh đó, tình hình chăn nuôi ổn định, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát nên nguồn cung các mặt hàng nông sản dồi dào, giá ổn định, không tăng giá đột biến. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam năm nay được dự báo dao động trong khoảng 3,8-5%.
Tăng lương 20,8% sẽ ít nhiều có ý nghĩa đối với đời sống của người hưởng lương từ ngân sách
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh, năm 2023 có nhiều yếu tố giúp kiểm soát lạm phát, như: Nền kinh tế Việt Nam đã thích ứng với tình hình mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ. Sản xuất, kinh doanh tăng, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ dồi dào khiến CPI khó có thể tăng mạnh.
Bên cạnh đó, sau thời gian tăng lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm cả lãi suất huy động lẫn cho vay. Lãi suất giảm, giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản xuất, thì sẽ giảm được giá bán sản phẩm.
Cùng đó, việc Bộ Tài chính quyết định tiếp tục thực hiện các chính sách giãn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí năm 2023 áp dụng như năm 2022, góp phần rất lớn làm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Như vậy, so với mức tăng CPI năm 2023, mức tăng lương cơ sở cao hơn khá nhiều.
Những năm gần đây, với chính sách kiểm soát lạm phát linh hoạt và hiệu quả, việc tăng lương đã mang lại hiệu quả nhất định. Dù mức tăng còn thấp nhưng đã cao hơn tốc độ tăng của CPI. Từ đó, cải thiện phần nào đời sống của người lao động.
Đặc biệt, trong lần tăng lương tới đây, mức tăng 20,8% sẽ ít nhiều có ý nghĩa đối với đời sống của người hưởng lương từ ngân sách.
Lộ trình tăng lương cần gắn với giảm mạnh số người hưởng lương từ ngân sách
Cũng về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: "Mức tăng 20,8% là tương đối lớn so với tốc độ tăng CPI 3 năm qua và cả dự tính năm 2023.
Tuy nhiên, tăng 20,8% trên nền tảng mức lương thấp nên đời sống lao động khu vực công có được cải thiện song không nhiều.
Lộ trình tăng lương cần đặt mục tiêu trong 5 năm tới đưa mặt bằng tiền lương thực tế của người lao động khu vực công bằng mức thu nhập trung bình cao ở khu vực đô thị.
Lộ trình tăng lương cần gắn với cải cách hành chính, giảm mạnh số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước"./.