Tăng giá và áp lực bình ổn thị trường

Lê Dung| 25/03/2022 08:28

Giá cả nguyên phụ liệu đầu vào tăng cao đã tác động trực tiếp tới hoạt động của các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nhiều giải pháp bình ổn thị trường, bảo đảm nhu cầu mua sắm tốt nhất cho người tiêu dùng đang được các doanh nghiệp và các ngành chức năng cùng đưa ra.

ADQuảng cáo

Xác định lộ trình tăng giá

Là đơn vị trực tiếp sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường, Công ty TNHH MTV Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao Nấm vàng và Hoa (Gia Nghĩa) đang gồng mình vì chi phí đầu vào phát sinh cao.

Hiện tại, giá của hầu hết các nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất Đông trùng hạ thảo tại đơn vị đều tăng mạnh. Đơn cử như: Đường phục vụ cho quá trình lên men tăng từ 240.000 đồng lên 270.000 đồng/kg; khoai tây tăng từ 18.000 đồng lên 20.000 đồng/kg; gạo huyết rồng tăng từ 18.000 đồng lên 23.000 đồng/kg…

Chi phí đầu vào cho sản xuất Đông trùng hạ thảo tại Công ty TNHH MTV Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao Nấm vàng và Hoa (Gia Nghĩa) tăng khá cao

Ông Nguyễn Xuân Nhu, Đại diện của Công ty cho biết: “Mặc dù chi phí sản xuất tăng khá cao, nhưng doanh nghiệp vẫn tạm thời giữ nguyên giá bán ra cho sản phẩm, với 170.000 đồng/1 hũ tươi; 500.000 đồng/10g. Những tháng đầu năm, nhu cầu của khách hàng về sản phẩm tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Đồ họa: Bình Minh – Lê Dung

Hiện tại, sản phẩm làm ra đến đâu đều được khách hàng lấy hết tới đó. Do đó, trước mắt, doanh nghiệp sẽ lấy số lượng hàng hóa bán ra để bù vào phần chi phí phát sinh. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp sẽ có phương án tăng giá từng bước nhằm giảm bớt áp lực cho người tiêu dùng”.

Giá nhiều mặt hàng thiết yếu tại Siêu thị Co.opmart Đắk Nông vẫn được giữ nguyên

Là đơn vị phân phối lớn trên địa bàn tỉnh, Siêu thị Co.opmart Đắk Nông hiện đang thực hiện giữ nguyên giá bán các mặt hàng trong cơn bão giá của thị trường.

Bên cạnh đó, đơn vị luôn duy trì nguồn hàng dự trữ, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại nhiều kho vệ tinh khác nhau. Qua đó giúp bảo đảm nguồn cung ổn định phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong mọi tình huống.

ADQuảng cáo

Đồ họa: Bình Minh – Lê Dung

Cùng với đó, Siêu thị Co.opmart Đắk Nông cũng thực hiện thường xuyên các chương trình khuyến mãi giảm giá từ 10-15% đối với các nhóm hàng thiết yếu như: dầu, gạo, đường, mắm muối, hạt nêm, thịt cá, rau, củ, quả…

CPI có xu hướng không giảm

Theo Cục Thống kê, trong quý I/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Đắk Nông tăng 6,47% so với kỳ gốc (năm 2019).

Trong đó, các nhóm có chỉ số giá tăng cao như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống: tăng 8,9%; đồ uống thuốc lá: 4,1%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng: 11,5%; giao thông: 8,3%...

Trong đó, chỉ số giá của một số nhóm cá thể trong 3 tháng đầu năm tăng khá mạnh như: gas và các loại chất đốt khác tăng 47%; rau tươi, khô và chế biến 32,2%; nhiên liệu 30,2%; gạo 12,1%; lương thực chế biến 10,1%...

Đồ họa: Bình Minh – Lê Dung

Theo ông Phan Văn Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Đắk Nông thì ngoài tác động của tình hình kinh tế thế giới và dịch bệnh, trong những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã có tín hiệu phục hồi khá rõ. Do đó, nhu cầu tiêu thụ nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất gia tăng, gây áp lực đẩy giá một số mặt hàng tăng cao.

Đồ họa: Bình Minh – Lê Dung

Dự báo, trong thời gian tới, CPI của tỉnh sẽ tăng nhẹ. Nguyên nhân chủ yếu là do một số nguyên, phụ liệu đầu vào trong sản xuất bị gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong khi đó, giá một số mặt hàng như xăng dầu, gas có xu hướng không giảm.

“CPI là thước đo lạm phát, liên quan đến chi tiêu hàng ngày của người dân. Vì vậy, theo tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ tập trung kiềm chế lạm phát thông qua công tác quản lý và điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu”- Ông Hoàng chia sẻ thêm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng giá và áp lực bình ổn thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO