Trật tự

Tăng cường thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng, kinh tế

Hồng Phước 28/03/2023 05:00

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp, các ngành xác định công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

ADQuảng cáo

Ban hành các chỉ thị, kế hoạch kịp thời

Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Chương trình số 20-CTr/TU ngày 17/8/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự giai đoạn 2020 - 2026 để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai, thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thiệt hại do hành vi tham nhũng, sai phạm kinh tế.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 639 về thực hiện Chương trình số 20-CTr/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Cấp ủy, tổ chức đảng, các sở, ngành phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, bước đầu đạt hiệu quả nhất định, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

thu-hoi.jpg
Ảnh minh họa

Thu hồi tài sản các vụ án là nhiệm vụ quan trọng

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp, các ngành luôn xác định thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; lãnh đạo, chỉ đạo thu hồi tài sản tham nhũng ngay từ giai đoạn kiểm tra, thanh tra đến điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Từ đó, hoạt động này đã nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy chế, quy định về quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

ADQuảng cáo

Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra các cấp, tập trung xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng, chiếm đoạt trong các vụ án có dấu hiệu tham nhũng; chủ động đề ra yêu cầu điều tra nhằm xác minh làm rõ về tài sản của người có hành vi tham nhũng.

Đồng thời, các cơ quan chức năng phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý tài sản, đất đai,.. để yêu cầu cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tài khoản, tài sản, đất đai của các đối tượng vi phạm, kịp thời yêu cầu hoặc trực tiếp áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin và trong suốt quá trình điều tra, giải quyết vụ án.

Cơ quan chuyên môn kịp thời vận động người phạm tội, thân nhân của người phạm tội giao nộp tài sản đã chiếm đoạt, thu lợi bất chính trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Năm 2022, tổng số vụ án tham nhũng, kinh tế được cơ quan cảnh sát điều tra các cấp thụ lý, điều tra là 21 vụ, 38 bị can. Tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại được phát hiện trong các vụ án tham nhũng, kinh tế phải thu hồi là hơn 10,9 tỷ đồng. Các cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 3,9 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 36% tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, kinh tế). Trong đó, thu hồi trong giai đoạn khởi tố hơn 282,8 triệu đồng (tỷ lệ 7,2%); giai đoạn điều tra 503 triệu đồng (tỷ lệ 12,8%); giai đoạn thi hành án hơn 3,1 tỷ đồng (tỷ lệ 80%).

Tăng cường công tác phối hợp

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như tỷ lệ thu hồi tài sản còn thấp so với số tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại được phát hiện; nhiều vụ án có tài sản bị chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại giá trị lớn, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng không đủ khả năng để khắc phục hậu quả nên trên thực tế chỉ xử lý về mặt hành vi phạm tội còn việc thu hồi tài sản bị thiệt hại không thực hiện được.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng có lúc, có nơi chưa hiệu quả...

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác này, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thực hiện công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Các cơ quan, địa phương kịp thời phối hợp cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán Nhà nước, các cơ quan tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân), cơ quan thi hành án. Các cơ quan liên quan tập trung rà soát, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Cùng với tăng cường thanh tra, kiểm tra, thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan liên quan kịp thời ban hành quyết định thu hồi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt theo quy định của pháp luật...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng, kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO