Đại sứ Phan Chí Thành chủ trì phiên thảo luận cuối cùng và bế mạc của Khóa họp. (Ảnh: ĐINH TRƯỜNG) |
Khóa họp được tổ chức tại trụ sở ESCAP ở Bangkok của Thái Lan từ ngày 1 đến 3/11. Tại Khóa họp, đại diện các nước đều nhận định thế giới và khu vực đang gặp nhiều thách thức về kinh tế vĩ mô như triển vọng tăng trưởng ở mức thấp, lạm phát và lãi suất tăng cao, tài khóa bị thắt chặt, thiếu hụt các nguồn quỹ công đầu tư cho phát triển bền vững. Một số quốc gia đang có nguy cơ đối mặt khủng hoảng nợ.
Nhiều giải pháp đã được đưa ra và thảo luận tại Khóa họp về gia tăng tính bền vững của nợ công, tăng cường tài chính bền vững để đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững và hành động về khí hậu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phát biểu tại Khóa họp, bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành ESCAP cho rằng bài toán chính sách chủ yếu hiện nay là tìm biện pháp gia tăng đầu tư vào phát triển bền vững trong khi bảo đảm duy trì nợ công bền vững.
Để hỗ trợ các nước, trong năm 2023, ESCAP đã thực hiện hai báo cáo, trong đó đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách về đánh giá tính bền vững của nợ công trong dài hạn nhằm phục vụ các chiến lược quốc gia về đầu tư và huy động nguồn lực cho mục tiêu phát triển bền vững, cũng như các giải pháp về thu hẹp khoảng cách tài chính bền vững.
Đại sứ Phan Chí Thành chủ trì phiên thảo luận cuối cùng và bế mạc của Khóa họp. (Ảnh: ĐINH TRƯỜNG) |
Dưới sự điều hành của Đại sứ, Đại diện Thường trực của Việt Nam, Khóa họp đã thông qua 6 khuyến nghị và 2 quyết định, trong đó đề nghị Ban Thư ký ESCAP tiếp tục triển khai các nghiên cứu, hỗ trợ nâng cao năng lực và thúc đẩy đối thoại, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cho các nước về tài chính và nợ công bền vững.
Các nước kêu gọi tạo điều kiện cho các cơ chế hợp tác khu vực và tiểu vùng giúp thu hẹp sự thiếu hụt của các nguồn quỹ; hỗ trợ giải quyết các vấn đề về chính sách kinh tế vĩ mô, khủng hoảng nợ, gia tăng đầu tư cho phát triển bền vững.
Các khuyến nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường gắn kết với Nhóm Tham vấn về cấp tài chính cho các chiến lược phát triển bền vững nhằm nâng tầm cơ chế trao đổi chính sách và chia sẻ kinh nghiệm về các thách thức kinh tế vĩ mô và các vấn đề về tài chính bền vững.
Các nước cũng ghi nhận và đánh giá cao các báo cáo của ESCAP về “Tài chính bền vững: Thu hẹp khoảng cách tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương” và “Khảo sát kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2023”.
Đây là lần thứ 3 Việt Nam được bầu vào Ban điều hành các hội nghị lớn trong khuôn khổ ESCAP trong 2 năm qua, khẳng định vai trò và đóng góp của Việt Nam tại diễn đàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương về các vấn đề kinh tế-xã hội.
Các đại biểu tham gia Khóa họp. (Ảnh: ĐINH TRƯỜNG) |
ESCAP là tổ chức quốc tế lớn nhất khu vực với 53 thành viên chính thức và 9 thành viên liên kết, có trách nhiệm hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội và thúc đẩy triển khai Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ủy ban Chính sách kinh tế vĩ mô, giảm nghèo và tài chính cho phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 1 trong 9 ủy ban chuyên môn của ESCAP, họp thường niên nhằm thảo luận về giải pháp hỗ trợ các nước xây dựng chính sách phát triển kinh tế và huy động tài chính, nguồn lực phục vụ phát triển bền vững.