Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch

Tuệ An| 17/11/2021 08:42

Dịch bệnh Covid-19 đang có những ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có công tác phòng, chống HIV/AIDS. Vì vậy, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 được triển khai với chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19” nhằm duy trì các hoạt động và chủ động ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

ADQuảng cáo

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến hết tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 10 trường hợp nhiễm HIV mới, giảm 11 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020, với lũy tích 635 người nhiễm HIV. Số trường hợp nhiễm HIV còn sống hiện tại đang được quản lý là 265 người; trong đó đang điều trị thuốc ức chế vi rút - ARV là 263 người.

Bác sĩ Brưm Ndong, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “HIV là tên của loại vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, và AIDS là giai đoạn cuối của nhiễm HIV. Khi cơ thể mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội do vi rút HIV gây ra hay còn gọi là bệnh AIDS. Đến nay, vi rút HIV và bệnh AIDS chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên người đã nhiễm HIV phải sống chung với vi rút suốt đời. Người nhiễm HIV phải sử dụng thuốc ARV hàng ngày để ức chế sự phát triển của vi rút, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội do vi rút HIV gây ra”.

Xét nghiệm máu là biện pháp phát hiện HIV nhanh nhất

“Người nhiễm vi rút HIV có sức đề kháng thấp hơn so với người bình thường, nên nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cũng sẽ cao hơn. Vì vậy, bản thân người nhiễm HIV cần phải cảnh giác cao hơn để chủ động đề phòng dịch bệnh Covid-19 cho bản thân và phòng lây nhiễm HIV cho những người xung quanh” bác sĩ Brưm nhấn mạnh.

ADQuảng cáo

Ngoài ra, tình trạng nhiễm HIV được phát hiện càng muộn thì nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác sẽ càng cao hơn. Cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc hạn chế đến những nơi công cộng, đông người, khiến người dân ngại đến các cơ sở y tế xét nghiệm để sớm biết được tình trạng nhiễm HIV của mình.

Với nhiều lý do đó, các hoạt động can thiệp đối với người nhiễm HIV bị gián đoạn, không những khiến cho hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi rút HIV cho người khác.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mỗi tổ chức, cá nhân vẫn phải chú trọng đến việc tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của địa phương. Đặc biệt, công tác truyền thông cần được tăng cường hơn, góp phần nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nhiễm HIV mới.

Bên cạnh đó, các trường hợp nhiễm HIV cần được điều trị ARV, tham gia các hoạt động can thiệp giảm tác hại khác để từng bước hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO