Ngày 31/3, tại Bộ Tài chính đã diễn ra cuộc họp lần thứ 3 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về ổn định thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đặc biệt lưu ý các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thanh toán đầy đủ đối với các trái phiếu đến hạn.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là về mặt chính sách, về vốn; khẩn trương thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; tăng cường tin tuyên truyền, nhất là về phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của nhà đầu tư; tăng cường quản lý trái phiếu phát hành ra công chúng; giao cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về an ninh trật tự tại địa phương; các trái phiếu doanh nghiệp phát hành liên quan đến dự án tại địa phương, địa phương phải được biết.
Liên quan đến thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong quý I/2023, thị trường chứng khoán vẫn có những tín hiệu tích cực. Hoạt động của doanh nghiệp mặc dù có khó khăn nhưng đa số vẫn tăng trưởng ở hầu hết các nhóm ngành...
Theo Phó Chủ tịch Phạm Hồng Sơn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc; trong đó quy định rõ phạm vi hoạt động và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán, bổ sung các quy định nhằm quản lý tốt hơn các nhà đầu tư, tăng cường các chế tài xử phạt vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tăng cường giám sát các công ty chứng khoán thực hiện đúng và đầy đủ vai trò là chủ thể giám sát tuyến đầu theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường...
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán, có cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có) của thị trường chứng khoán.
"Đồng thời, Ủy ban cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán nhằm tăng tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hướng đến sự phát triển thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch và bền vững", ông Phạm Hồng Sơn khẳng định.
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp từng bước được ban hành từ Luật, Nghị định đến Thông tư.
Cùng với việc Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020, khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp về cơ bản quy định đầy đủ các điều kiện, hồ sơ, quy trình, chế độ công bố thông tin và cơ chế giám sát, phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia thị trường.
Phó Vụ trưởng Vụ Tái chính Ngân hàng Nguyễn Hoàng Dương cho biết, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã và đang theo đúng định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng; giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu phủ và trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp đã bước đầu tăng huy động vốn từ phát hành trái phiếu, giảm sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện để thực hiện định hướng của Ngân hàng Nhà nước về giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại, giảm rủi ro về kỳ hạn cho hệ thống ngân hàng.
Nhà đầu tư có thêm sản phẩm đầu tư trên thị trường vốn. Các doanh nghiệp huy động được nguồn vốn trung, dài hạn, đặc biệt là các tổ chức tín dụng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, thông tin thị trường ngày càng minh bạch hơn với việc yêu cầu công bố thông tin tập trung trên hệ thông chuyên trang thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đối với cả doanh nghiệp phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu.
Trước dự báo còn nhiều thách thức đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng Nguyễn Hoàng Dương cho rằng, tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước bao gồm Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho nhà đầu tư theo các điều khoản, điều kiện của trái phiếu, theo đó doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng với các trái phiếu đã phát hành.
Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu; nhà đầu tư chịu trách nhiệm về quyết định của mình trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong thời gian tới, tiếp tục rà soát tổng thể, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp).
Bộ trưởng nhấn mạnh, đa số các ý kiến phát biểu đều đồng tình với các nội dung dự thảo báo cáo của Bộ Tài chính, về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp. Tuy nhiên, vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu để có những biện pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thời gian tới.../.