Tăng cường kết nối 3 tuyến du lịch Công viên địa chất Đắk Nông
CVĐCTC Đắk Nông được đánh giá là vùng di sản địa chất vô cùng quý hiếm gắn liền với những truyền thuyết của đồng bào các dân tộc bản địa.
Bảo tồn mở để phát triển bền vững
CVĐCTC Đắk Nông được đánh giá là vùng di sản địa chất vô cùng quý hiếm gắn liền với những truyền thuyết của đồng bào các dân tộc bản địa. Ngoài bất cập đã nêu trên, cũng cần nhìn nhận khách quan về những hành động kịp thời, nhanh chóng của các sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc việc bảo tồn nguyên vẹn những di sản địa chất rộng lớn này.
Trong số này, có thể kể đến nỗ lực bảo tồn ngọn núi lửa Nâm Kar (hay còn gọi là núi lửa đèo 52), xã Quảng Phú, huyện Krông Nô. Trước đây, khu vực này được khai thác để lấy nguyên liệu làm vật liệu xây dựng nên đã phá vỡ đi hiện trạng của núi lửa.
PGS.TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, núi lửa Nâm Kar nằm liền kề với hang động núi lửa Chư R’luh và có những nét tương đồng về địa chất, địa mạo. Do đó, nếu không dừng lại hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực này e rằng việc "xóa sổ" một núi lửa là điều đương nhiên.
Nhận thức được điều này, trong quá trình xây dựng Đề án công viên địa chất và đề nghị UNESCO công nhận là CVĐCTC, tỉnh Đắk Nông đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế tác động đến hiện trạng của núi lửa. Đến thời điểm hiện tại, việc khai thác khoáng sản tại đây đã tạm dừng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị vùng công viên địa chất.
Bà Trần Nhị Bạch Vân, Phụ trách chuyên môn Ban Quản lý CVĐCTC Đắk Nông cho biết, công viên địa chất là 1 trong 3 danh hiệu của UNESCO, trong đó CVĐCTC là một thương hiệu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của các loại hình di sản.
Khác với các danh hiệu khác, CVĐCTC hướng tới phát triển bền vững, bảo tồn mở. Chính vì thế, tỉnh Đắk Nông rất chú trọng tới công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức về các giá trị di sản của công viên địa chất, từ đó khơi gợi được niềm tự hào, thúc đẩy động cơ lưu giữ, thực hành và bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương nhằm tạo ra những giá trị kinh tế từ hoạt động du lịch.
Tăng cường kết nối giữa các điểm đến
Mới đây, chị Nguyễn Thị Thùy Linh (trú tỉnh Vĩnh Long) có hơn 1 tuần trải nghiệm các tuyến du lịch nằm trong CVĐCTC Đắk Nông. Là người thích khám phá, chị Linh cho rằng, những di sản địa chất và văn hóa của mảnh đất Nam Tây Nguyên chứa đựng rất nhiều điều thú vị.
“Trong 1 tuần lễ, tôi có cơ hội đi đến một số địa điểm nổi tiếng của tỉnh Đắk Nông như thác Đray Sáp; thác Lưu Ly; cánh đồng núi lửa; vườn cà phê…. Do phân bố rải rác, chưa được đầu tư đồng bộ nên 3 tuyến du lịch này vẫn chưa “níu chân” du khách quay trở lại Đắk Nông. Cảm nhận chung của tôi là các điểm đến vẫn rất hoang sơ, chưa có sự đầu tư và liên kết rời rạc”, chị Linh nói.
Cảm nhận của chị Linh cũng là cảm nhận của nhiều du khách khi khám phá CVĐCTC Đắk Nông. Hiện nay các tuyến du lịch trải rộng trên 6 huyện, thành phố, nhiều điểm trải nghiệm nằm xa khu dân cư, chưa có cơ sở hạ tầng thiết yếu, đã phần nào ảnh hưởng tới “cảm xúc” của du khách.
Nói về điều này, bà Trần Nhị Bạch Vân cho biết, UNESCO không quy định một công viên địa chất toàn cầu phải có bao nhiêu điểm đến, nhưng các điểm đến phải có giá trị di sản địa chất mang tầm quốc tế.
Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông xây dựng, hình thành 41 điểm đến thuộc CVĐCTC là để phục vụ thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Mỗi tuyến sẽ có các điểm đến, gồm cả điểm di sản và điểm trải nghiệm, chứa đựng những đặc trưng trong văn hóa cộng đồng dân cư.
“Các điểm di sản, điểm trải nghiệm có thể thêm vào, bớt ra tùy thuộc vào tình hình thực tế. Chúng tôi khuyến khích địa phương phát triển các mô hình cộng đồng để thu hút du khách. Đặc biệt trong quá trình xây dựng, phát triển cần có sự liên kết, gắn kết giữa các điểm đến, để du khách đi điểm này sẽ muốn đến một điểm khác”, bà Vân cho hay.
Từ thực tế hoạt động của mình bà Lê Thị Hồng An, Giám đốc HTX Nâm Blang và nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý CVĐC UNESCO Đắk Nông chia sẻ, HTX Nâm Blang, với trụ sở tại xã Nâm N'đir, huyện Krông Nô, đã trở thành cầu nối liên kết các giá trị bền vững từ di sản địa chất, địa mạo, văn hóa đến nông nghiệp và du lịch. Đơn vị này hoạt động với phương châm “dựa vào cộng đồng, hướng về cộng đồng”, điều này không chỉ thúc đẩy sản xuất sản phẩm xanh, sạch, thân thiện môi trường mà còn chú trọng khai thác du lịch bền vững.
Bà An nhấn mạnh, mô hình du lịch cộng đồng là yếu tố cốt lõi để bảo tồn di sản, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao nhận thức của người dân. Tuy nhiên, việc xây dựng và triển khai mô hình này đối mặt với nhiều thách thức, từ hạn chế nguồn lực đến thiếu quy hoạch đồng bộ. HTX Nâm Blang đề xuất các giải pháp như xây dựng mạng lưới đối tác bền vững, đào tạo kỹ năng du lịch cho người dân, và phát triển sản phẩm địa phương đạt chuẩn. Tầm nhìn của HTX là khẳng định vai trò là đối tác tiêu biểu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững cho vùng lõi CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.