Đời sống

Tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ

Thanh Hằng 05/05/2023 05:00

Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh Đắk Nông có hàng trăm thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an. Lực lượng này đã được rèn luyện trong môi trường quân đội, công an nên thích nghi tốt trong môi trường hoạt động cường độ lao động cao, có tính tự giác, kỷ luật, đoàn kết, gương mẫu trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đây được xem là lực lượng lao động có chất lượng nếu được qua trường lớp đào tạo, sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Nhu cầu học nghề cao

Chiến sĩ Hờ A Sà ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa hiện đã thực hiện nghĩa vụ quân sự được 1 năm tại Tiểu đoàn 301, Trung đoàn 994, Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông. Giai đoạn này, Hờ A Sà dành thời gian tìm hiểu một số trường đào tạo nghề để sau khi xuất ngũ, có thể đăng ký theo học.

Hờ A Sà cho biết, trước đây, do hoàn cảnh khó khăn, gia đình lại đông người nên sau khi hoàn thành THPT, Sà đã lên đường nhập ngũ. Trong thời gian đi bộ đội, được sự hướng dẫn, tư vấn của lãnh đạo đơn vị, Sà hiểu được mình cần một công việc ổn định để giúp gia đình thoát nghèo.

“Tôi xác định đi học nghề là để giúp cho mình có một công việc ổn định. Qua tìm hiểu, được biết hiện nay nhu cầu lao động thuộc lĩnh vực điện công nghiệp rất lớn, chính vì thế tôi dự định sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ đăng ký để theo học nghề này. Đặc biệt, hiện nay Nhà nước có chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ kinh phí họ nghề, giúp chúng tôi yên tâm thực hiện nghĩa vụ quân sự và đi học sau này, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho gia đình”, chiến sĩ Hờ A Sà nói.

hoc-nghe-301_1(1).jpg
Chiến sĩ Hờ A Sà (ngoài cùng, bên trái) dự định học nghề điện công nghiệp.

Trước đây, chiến sĩ Trần Tiến Tấn, Trung đội 9, Tiểu đoàn 301 cũng mới học xong lớp 11 rồi nghỉ học đi làm công nhân. Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ tại đơn vị, Tấn thường xuyên mượn sách, báo của đơn vị chỉ huy để đọc, từ đó trau dồi thêm kiến thức. Cũng từ đây, chiến sĩ trẻ này dự định học nghề sửa chữa ô tô sau khi xuất ngũ để có thể tự nuôi sống bản thân.

Tấn cho biết, hiện nay rất nhiều gia đình có xe ô tô riêng nên trong tương lai, nghề sửa chữa ô tô sẽ có nhiều việc làm. Nếu không có cơ hội vào làm cho các doanh nghiệp, cơ sở sửa chữa ô tô lớn, Tấn cũng có thể tự mở cho mình một cơ sở nhỏ với tấm bằng học nghề trong tay.

Trung tá Đặng Hồng Long, Chính trị viên Tiểu đoàn 301 cho biết, hàng năm nhu cầu của hạ sĩ quan, chiến sĩ xuất ngũ học nghề rất cao. Phần lớn chiến sĩ có nguyện vọng đăng ký học tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, một số khác thì đăng ký học tại các trung tâm đào tạo của Quân khu 5. Đặc biệt, trong thời gian huấn luyện, đơn vị cũng tạo điều kiện cho một số chiến sĩ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và trường nghề nếu có nhu cầu.

Cần đổi mới hỗ trợ đào tạo nghề

Cũng theo Trung tá Đặng Hồng Long, Chính trị viên Tiểu đoàn 301 cho biết thêm, việc hướng nghiệp, tư vấn học nghề là nội dung quan trọng, được chỉ huy các cấp quan tâm. Tại Tiểu đoàn 301, hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thường xuyên phối hợp với Sở LĐTBXH, Tỉnh đoàn, gặp gỡ chiến sĩ để khảo sát nhu cầu, nguyện vọng học nghề để có những định hướng phù hợp. Tham gia các đợt tư vấn này, nhiều chiến sĩ chuẩn bị xuất ngũ sẽ định hướng được cho mình hướng đi phù hợp trong tương lai.

hoc-nghe-4(1).jpg
Hướng nghiệp, tư vấn học nghề là nội dung đặc biệt quan trọng, được chỉ huy các cấp quan tâm.

Để tạo điều kiện cho bộ đội xuất ngũ trở về địa phương sớm ổn định cuộc sống, tự lao động và phát huy các phẩm chất được đào tạo, bồi dưỡng trong quân ngũ, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề như Nghị định số 61 (Nghị định 61) ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Thông tư số 43 (Thông tư 43) ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông, triển khai các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, lồng ghép các chương trình, đề án về giải quyết việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động cho quân nhân sau khi xuất ngũ trở về địa phương.

hinh-hoc-nghe-1(1).jpg
Sở LĐTB-XH đã phối hợp chặt chẽ với Bộ CHQS tỉnh, triển khai các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông, hiện nay trên địa bàn tỉnh việc hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách quy định tại Nghị định 61 và Thông tư 43 vẫn còn hạn chế về ngành, nghề đào tạo. Trong khi đó, hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn khó khăn về điều kiện thiết bị đào tạo, đội ngũ nhà giáo, chưa mở rộng nhiều ngành nghề theo nhu cầu của thị trường lao động. Ngoài ra, mức hỗ trợ đào tạo còn thấp so với chi phí đào tạo các ngành, nghề chất lượng cao nên thu hút được nhiều thanh niên, bộ đội xuất ngũ tham gia.

Để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề năm 2023 cho các đối tượng quy định Thông tư 43 và Nghị định 61, mới đây Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông đã có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường công tác tư vấn học nghề; công khai minh bạch nội dung chi hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và các chế độ, chính sách cho thanh niên; tiếp nhận Thẻ học nghề, tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp, thực hiện chi hỗ trợ đào tạo nghề và bố trí việc làm cho thanh niên sau tốt nghiệp…

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO