Công an tỉnh Đắk Lắk trao thưởng cho Công an thành phố Buôn Ma Thuột vì có thành tích đột xuất trong công tác phòng chống tội phạm về ma túy. |
Thượng tá Huỳnh Văn Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Tội phạm ma túy được phát hiện tại 14 trong số 15 huyện, thị xã, thành phố và tăng cả về số vụ cùng số đối tượng. Các đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy, đặc biệt là số đối tượng mua bán trái phép chất ma túy sử dụng phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và chuyển đổi mạnh mẽ từ phương thức truyền thống sang phương thức truyền thống kết hợp hiện đại. Các đối tượng này triệt để lợi dụng mạng xã hội như: Facebook, Telegram, Zalo, Viber… với tính ẩn danh cao rồi thành lập các hội, nhóm kín để trao đổi, liên lạc, điều hành việc mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Các đối tượng thỏa thuận nhưng không cần gặp mặt, sau đó sử dụng các dịch vụ công nghệ để chuyển tiền, chuyển hàng… gây khó khăn cho công tác phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, chứng minh hành vi phạm tội mua bán trái phép chất ma túy…
Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về "Tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy"; Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025; triển khai Chương trình phòng chống ma túy trong thanh thiếu niên đến năm 2030; ban hành Kế hoạch phối hợp giữa Công an tỉnh với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh về "Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024-2030"; triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024 và phối hợp triển khai thực hiện các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp lễ, Tết…
Quá trình thực hiện, công tác tuyên truyền về phòng chống ma túy luôn được chú trọng với nhiều nội dung, hình thức phong phú; trong đó tập trung tuyên truyền, vận động số đối tượng có nguy cơ cao dẫn đến nghiện ma túy, phạm tội về ma túy.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Công an tỉnh đã thu thập xây dựng 870 tin, bài, phóng sự, hình ảnh về gương người tốt, việc tốt và công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện hiệu quả mô hình "Kết nối mạng xã hội - bình yên cho mỗi gia đình" với nhiều bài viết được đăng tải, trong đó tập trung tuyên truyền về kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm, phổ biến pháp luật về ma túy; tổ chức 113 buổi tuyên truyền pháp luật về công tác phòng chống ma túy cho 65.650 lượt giáo viên, học sinh và người dân tại các xã trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, Công an tỉnh phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền phòng chống ma túy cho quần chúng nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú,… qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân trong công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Cùng với đó, công tác cai nghiện tiếp tục được đẩy mạnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an các huyện, thị xã, thành phố đã lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở điều trị cai nghiện bắt buộc 287 trường hợp, tăng 56 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023, trong đó đưa 251 người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Cùng với công tác tuyên truyền, Công an tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác, đặc biệt là công tác trinh sát nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các tuyến, địa bàn, đối tượng; chủ động phát hiện và kịp thời bắt giữ, xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Qua đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 202 vụ, 313 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 35,0568 gram heroin, 1,084 kg ma túy tổng hợp, 573,0623 gram cần sa khô, 400 gram thuốc phiện, 369 điếu thuốc lá tẩm ma túy tổng hợp hiệu Tobaco, Dominic, 175 gói "nước vui" cùng nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan…
Theo Thượng tá Huỳnh Văn Long, tình hình người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh tuy có giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn xã hội.
Theo thống kê, tính đến ngày 14/6/2024, toàn tỉnh có 365 người sử dụng trái phép chất ma túy, 292 người quản lý sau cai nghiện và 865 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có 211 người nghiện đang ở ngoài xã hội, chiếm 24,39%. Tệ nạn ma túy đã lan rộng tới 149/184 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, trong đó có một xã và một phường trọng điểm ma túy loại III.
Đáng chú ý là tình trạng tổ chức sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự vẫn tiếp tục xảy ra. Người sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng ngày càng trẻ hóa khi có đến 61,61% số người nghiện trong độ tuổi từ 16 đến dưới 30 tuổi.
Bên cạnh đó, hầu hết tụ điểm tổ chức mua bán, sử dụng ma túy tập trung ở thành phố Buôn Ma Thuột, nhưng phần lớn các đối tượng từ các nơi khác đến và từ huyện lên thuê khách sạn, nhà nghỉ để tổ chức sử dụng, gây khó khăn cho cơ quan Công an trong việc phát hiện, đấu tranh, triệt phá.
Theo dự báo, thời gian tới tình hình tội phạm về mua bán, tổ chức sử dụng ma túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn Đắk Lắk sẽ còn diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn.
Thượng tá Huỳnh Văn Long cho biết, để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán và sử dụng ma túy, trong thời gian tới Công an tỉnh sẽ tham mưu các cấp, các ngành trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh báo toàn xã hội, nhất là thanh thiếu niên về hiểm họa ma túy. Tiếp tục xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình về phòng chống ma túy tại địa bàn cơ sở.
Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, chủ động nhận diện, nắm chắc tình hình, đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy đi qua địa bàn và vào địa bàn tỉnh tiêu thụ; triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như quán bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn…
Tăng cường kiểm tra, phòng ngừa các đối tượng lợi dụng để tổ chức mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy; kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy; làm tốt công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai nghiện, tạo việc làm cho người sau cai nghiện…
Vấn đề quan trọng là cùng với sự nỗ lực của cơ quan Công an, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và toàn xã hội trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy.