Thủ tướng được bầu Srettha Thavisin gặp gỡ phóng viên tại Trụ sở đảng Pheu Thai sau khi có kết quả bỏ phiếu. (Ảnh: Bưu điện Bangkok) |
Phát biểu tại Trụ sở Đảng Pheu Thai, ông Srettha nói: “Tôi rất vinh dự khi được bầu làm Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan. Tôi muốn cảm ơn tất cả người dân Thái, các đảng trong liên minh và các nghị sĩ đã bỏ phiếu ngày hôm nay. Tôi sẽ làm hết sức mình, không nề hà gian khổ và cải thiện điều kiện sống của tất cả người dân Thái Lan”.
Khi được hỏi liệu ông đã sẵn sàng để thực hiện các công việc của Thủ tướng, ông Srettha giơ cao tay hô: “Sẵn sàng”. Tuy nhiên, ông Srettha đã từ chối trả lời các câu hỏi khác của phóng viên và nói rằng việc này là không phù hợp cho tới khi kết quả bầu cử chính thức được hoàng gia phê chuẩn. Khi đó, một cuộc họp báo chính thức sẽ được tổ chức.
Ông Srettha cũng cho biết, đại diện các đảng phái trong liên minh cầm quyền đã gọi điện cho ông để chúc mừng. Bà Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và cũng là một ứng cử viên Thủ tướng khác của Pheu Thai, đã tới trụ sở của đảng để chúc mừng ông Srettha.
Trước đó, tại phiên họp chung hai viện của Quốc hội Thái Lan, các đại biểu đã tiến hành bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới của Thái Lan với một ứng cử viên duy nhất là ông Srettha. Ông đã nhận được 482 phiếu thuận, 165 phiếu chống và 81 phiếu trắng.
Phần lớn các phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu này là của đảng Tiến bước, đảng đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5. Đảng này đã giành được 151 ghế trong Quốc hội so với 141 ghế của Pheu Thai.
Tuy nhiên, đảng Tiến bước đã thất bại trong việc đưa ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng vượt qua cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng tại Quốc hội. Đảng Pheu Thai sau đó đã rời khỏi liên minh với đảng Tiến bước và sáu đảng khác, thành lập một liên minh mới do Pheu Thai lãnh đạo để thành lập chính phủ.
Sau cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng tại Quốc hội Thái Lan ngày 22/8, ông Chaithawat Tulathon, Tổng Thư ký đảng tuyên bố, với tư cách là đảng đối lập chính, đảng này sẽ đóng một vai trò “tích cực và sáng tạo” đồng thời nỗ lực giám sát hiệu quả hoạt động của khối hành pháp.