Tâm tư nghề báo
Nghề báo là nghề phải đối mặt với những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn để bảo đảm tin, bài theo kế hoạch định kỳ và đột xuất, phóng viên phải làm việc không kể giờ giấc, đêm ngày. Trên hành trình “dấn thân” với nghề, những người làm báo luôn có những kỷ niệm vui, buồn trong nghề không thể nào nói hết…
Vất vả nghề báo
Xuất thân là một cử nhân luật, tôi đến nghề báo và Báo Đắk Nông như một cái duyên không hề định trước. Là một “tay ngang”, tôi còn nhớ như in những ngày đầu “chập chững” bước vào nghề, những băn khoăn, lo gắng, trăn trở cho một bài viết mà không biết bắt đầu từ đâu, tìm đề tài như thế nào, phải viết thế nào cho hay.
Tôi cũng gặp không ít khó khăn do không có nhiều mối quan hệ với cơ sở và chưa nắm bắt được tiêu chí, văn phong của tờ báo. Chưa quen việc, không thực hiện được nhiều tin, bài là lúc tôi căng thẳng, lo lắng vì sợ không đạt định mức và áp lực của cơ quan.
Rất may, tôi đã nhận được sự động viên, chỉ bảo, hướng dẫn tận tình của các anh chị đi trước. Tất cả đã giúp tôi dần tự tin hơn với nghề, tạo động lực cho bản thân phấn đấu trong công việc.
Chọn nghề báo là chọn công việc gắn liền với những chuyến đi. Có những chuyến đi xác định rõ thời gian, địa điểm, nhưng cũng có nhiều chuyến đi đột xuất bất kể đêm ngày, cuối tuần hay lễ tết. Giữa trưa nắng nóng, phóng viên phải “phơi lưng” cùng bà con nông dân hay đêm tối, mưa gió phải tác nghiệp, đưa tin những vụ việc ở cơ sở.
Người làm báo phải đi để kịp thời nắm bắt thông tin, tuyên truyền về cuộc sống muôn màu; đi để tìm đề tài, chất liệu báo chí và lắng nghe, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân. Mỗi chuyến đi đều đem lại những trải nghiệm thúi vị, những cảm xúc vui, buồn. Vui bởi công việc làm báo được đi nhiều, biết nhiều, gặp gỡ nhiều người, không bó hẹp ở môi trường làm việc cố định, không lặp đi lặp lại một việc nhàm chán.
Thế nhưng, bên cạnh những chuyến đi thú vị, thu thập nhiều thông tin, hình ảnh ý nghĩa về con người, cuộc sống, quê hương thì cũng không ít chuyến đi dù có lịch hẹn trước vẫn bị từ chối làm việc, không thể khai thác thông tin. Phóng viên gặp phải những người không thiện chí hợp tác, không tôn trọng nhà báo thậm chí hành xử thiếu văn hóa…
Người làm báo không chỉ phải lăn lội với thực tế để thu thập thông tin mà còn phải hoàn thành tác phẩm đúng kỳ, đúng “hẹn”, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng tác nghiệp với đòi hỏi chuyên môn về sự nhanh nhạy, kịp thời trong thông tin.
Tôi vẫn luôn cảm thông và khâm phục những sự hy sinh thầm lặng của các anh, chị, em đồng nghiệp. Công việc nhiều, người làm báo chúng tôi ít có thời gian quan tâm, chăm sóc cho con cái, người thân. Tôi thường xuyên nghe các đồng nghiệp phải nhờ người đưa đón con giúp để còn đi làm, hay phải tranh thủ ăn uống qua loa rồi vùi đầu vào con chữ, mải mê với nhân vật.
“Người làm báo phải vất vả, đi sớm về hôm. Người thân, gia đình cũng phải chia sẻ, cảm thông và hy sinh cùng thì mới có thể yên tâm công tác, giữ được hạnh phúc gia đình”.
Tự hào tôi là phóng viên
Nghề báo nhiều vất vả, áp lực nhưng cũng mang lại cho người làm báo nhiều cung bậc cảm xúc, niềm tự hào và sự vinh quang khi được gắn bó, đam mê với công việc mình yêu thích.
Phóng viên Hồng Duyên, Báo Đắk Nông tâm sự, phụ trách mảng y tế, nhiều khi đi làm, tôi gặp những hoàn cảnh đau lòng, các bé ốm đau bạo bệnh rất thương tâm mà bản thân lực bất tòng tâm, không giúp gì được thì thấy rất buồn.
Quyết định theo nghề báo, chị đã hiểu rằng phải xác định "không sợ khổ" thì mới theo được nghề. Mỗi lần được phân công đi vào vùng dịch, biết là dịch bệnh nguy hiểm nhưng vì yêu cầu của công việc, tôi đã không nề hà “dấn thân” và luôn tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn.
"Khi viết những bài báo nhận được những lời cảm ơn, những nụ cười hạnh phúc của nhân vật, giúp được những hoàn cảnh khó khăn, tôi thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn và luôn mong tiếp tục “cháy” hết mình với nghề, truyền tải những câu chuyện đẹp, ý nghĩa trong cuộc sống".
Phóng viên Hồng Duyên, Báo Đắk Nông
"Trong đợt dịch Covid-19 rồi dịch bạch hầu, tôi thấy tự hào vì với ngòi bút của mình, tôi đã đồng hành cùng ngành y tế của tỉnh, truyền tải thông tin, hình ảnh cảm động về các y bác sỹ, tình quân dân, quyết tâm "không ai bị bỏ lại phía sau" của các cấp, các ngành đến độc giả", phóng viên Hồng Duyên, Báo Đắk Nông cho hay
Không ngừng đổi mới
Để chuyển tải những tác phẩm báo chí mang đầy hơi thở cuộc sống đến với bạn đọc ngoài sự đam mê, trình độ, những trải nghiệm thực tế, sự nhanh nhạy còn cần cả nỗ lực học hỏi không ngừng nghỉ của mỗi phóng viên.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang tạo ra sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ trong hoạt động báo chí. Giữa môi trường truyền thông mở, đội ngũ người làm báo được thỏa sức sáng tạo ra những sản phầm truyền thông mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Đồng nghĩa với đó, mỗi người làm báo phải không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng, cập nhật công nghệ phù hợp xu thế mới, trở thành một phóng viên đa phương tiện, luôn tự làm mới những tác phẩm của mình.
Sự cạnh tranh giữa các loại hình truyền thông, đặc biệt là các sản phầm truyền thông mới vừa “làm khó” nhưng cũng vừa là động lực để nhà báo bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại.
Theo phóng viên Phúc Hân, Truyền hình Quốc hội Việt Nam thường trú tại Đắk Nông thì trong thời đại số hiện nay, đòi hỏi người làm báo phải có phương pháp, kỹ năng, tác phong làm báo phù hợp và có đạo đức nghề nghiệp. Muốn có một tác phẩm báo chí hay, ngoài lòng yêu nghề, phải có sự sáng tạo.
Là phóng viên truyền hình, khi có cơ hội tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng phóng viên đa phương tiện, tôi đều tham gia và tự mày mò tìm hiểu để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao, phù hợp với xu hướng báo chí hiện nay
Phóng viên Phúc Hân, Truyền hình Quốc hội Việt Nam