Tâm tư của cán bộ không chuyên trách cấp xã
Chủ trương dừng sử dụng cán bộ không chuyên trách cấp xã từ 1/8 nhận được sự đồng thuận từ những người trong cuộc. Tuy vậy, không ít người tâm tư, khát khao tiếp tục được cống hiến cho cộng đồng.
Theo Công văn của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, dự kiến kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay kể từ ngày 1/8. Trước thay đổi này, đội ngũ cán bộ không chuyên trách tại Đắk Nông bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương, nhưng cũng không ít những tâm tư khi phần lớn đều đã gắn bó lâu năm, coi đây là công việc gắn liền với trách nhiệm và tình cảm với cộng đồng.
Thực tế ở phường Nghĩa Trung
Chị Lê Thị Thanh Huyền là cán bộ không chuyên trách của phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đến nay đã gần 15 năm. Bắt đầu với vai trò là Phó Bí thư Đoàn phường, sau đó chị luân chuyển sang làm công tác Văn phòng Đảng ủy.
Năm 2023, chị Huyền được tổ chức phân công kiêm nhiệm thêm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường. Được coi là người gác cổng, công việc tiếp nhận văn bản đến, văn bản đi, tham mưu cho Đảng ủy phường trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị luôn bảo đảm hoàn thành kịp thời, không chậm trễ. Thậm chí, nhiều lúc cao điểm như chuẩn bị đại hội đảng cấp cơ sở, chị phải làm cả ngày nghỉ thì mới theo kịp tiến độ, yêu cầu.

Quá trình công tác, chị Huyền luôn nỗ lực học tập, nghiên cứu tài liệu để công việc ngày càng trôi chảy, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Chị Huyền cho biết: “Gần 15 năm gắn bó với bao kỷ niệm vui buồn, bao lần lo lắng, thức đêm thức hôm để hoàn thành công việc. Cho nên khi nhận thông tin không sử dụng cán bộ không chuyên trách nữa, ban đầu, tôi lo lắng và có phần hụt hẫng. Sau khi trấn tĩnh lại, tôi thấy chủ trương của Đảng là đúng đắn. Do đó, còn làm ngày nào trong vai trò của cán bộ không chuyên trách, tôi đều nỗ lực hết sức để khi nghỉ việc mình sẽ không hối tiếc”.

Chị Huyền có trình độ cử nhân Kế toán, Trung cấp Lý luận chính trị. Quá trình công tác, chị luôn là người đảng viên, cán bộ không chuyên trách xuất sắc của đơn vị. Riêng từ năm 2020 - 2024, chị Huyền là đảng viên xuất sắc 5 năm liền. Điều chị Huyền mong muốn nhất hiện nay không chỉ là nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng cán bộ không chuyên trách cấp xã nghỉ việc mà cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, bố trí, sắp xếp cho những người có nguyện vọng, đủ tiêu chuẩn về công tác tại các tổ dân phố.
“Chúng tôi ở độ tuổi ngoài 40, để bắt đầu công việc mới là điều không hề dễ dàng. Do đó, tôi cũng như đội ngũ cán bộ trẻ không chuyên trách của phường mong muốn được quan tâm, bố trí công việc phù hợp để tiếp tục được cống hiến cho địa phương”, chị Huyền tâm tư.
Cũng như chị Huyền, bà Phan Thị Bắc, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông có thâm niên gần 21 năm làm công tác chữ thập đỏ. Qua nhiều năm làm công tác nhân đạo, từ thiện, bà Bắc nhận thấy, công việc này đòi hỏi phải làm việc xuất phát từ “cái tâm”, tình yêu thương và tấm lòng đồng cảm, sẻ chia với những đối tượng không may trong cuộc sống thì mới có thể làm tốt được.

Với suy nghĩ này, bà Bắc đã dành nhiều thời gian nắm bắt, tìm hiểu rõ hoàn cảnh của mỗi đối tượng để có sự kết nối, kêu gọi, vận động giúp đỡ phù hợp. Giờ đây, chỉ cần hỏi bà Bắc về trường hợp nào, bà đều nói một cách rõ ràng, thậm chí chỉ đường đi lối lại như chính đường về nhà của mình.
Những ngày cuối tháng 4 này, trước thông tin chuẩn bị nghỉ việc theo yêu cầu đối với cán bộ không chuyên trách, bà Bắc tranh thủ từng giờ, từng phút để gấp rút hoàn thiện mọi thủ tục, giấy tờ cần thiết nhằm kết nối các nhà hảo tâm nhận chăm sóc, hỗ trợ cho các đối tượng đặc biệt khó khăn của phường.
“Tôi luôn tâm niệm, mình làm việc nhân đạo là phải có trách nhiệm đến cùng. Do đó, ngày nào chưa nghỉ thì ngày đó tôi phải làm tốt nhất nhiệm vụ của mình để góp phần san sẻ với thiệt thòi của những trường hợp kém may mắn trong xã hội”, bà Bắc cho hay.

Gần 21 năm công tác, khi có chủ trương dừng sử dụng cán bộ không chuyên trách cấp xã, dù ít nhiều buồn và tâm tư, nhưng bà Bắc luôn ủng hộ chủ trương này của Đảng. “Tôi nay cũng đã lớn tuổi, việc không đi làm nữa sẽ không tác động nhiều đến cuộc sống của mình. Điều tôi mong nhất là cấp ủy, chính quyền quan tâm đến những cán bộ trẻ, đang trong độ chín của công việc, có đủ tiêu chí về trình độ, năng lực, phẩm chất và bố trí cho họ nhiệm vụ ở cấp thôn để tiếp tục cống hiến”, bà Bắc chia sẻ.

Theo lãnh đạo phường Nghĩa Trung, toàn phường hiện có 9 cán bộ không chuyên trách làm việc. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ không chuyên trách dù phụ cấp thấp, có người kiêm nhiệm hai, ba nhiệm vụ nhưng đều nỗ lực, cố gắng, làm hết tinh thần trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Mong muốn “không để ai bị bỏ lại phía sau”
Tâm tư của cán bộ không chuyên trách phường Nghĩa Trung cũng là thực tế chung của đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo đánh giá của các địa phương, hầu hết đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã đã phát huy được năng lực, trình độ, làm việc tâm huyết, trách nhiệm.
Dù không chuyên trách, nhưng nhiệm vụ mà đội ngũ này đảm nhận cũng không ít hơn cán bộ chuyên trách. Đặc biệt, nhiều cán bộ trẻ ngày càng được chuẩn hóa về trình độ, năng lực và được quy hoạch vào những vị trí quan trọng của bộ máy cấp xã.

Tuy nhiên, chế độ hỗ trợ sau nghỉ việc của đội ngũ này chưa tương xứng. Như bà Bắc phân tích, với 21 năm công tác hội chữ thập đỏ, nếu theo Nghị định 29/2023, bà dự kiến sẽ nhận khoảng 15 triệu đồng. Số tiền này, đối với bà đã lớn tuổi thì ít nhiều không sao, nhưng với những người trẻ thì họ không thể có đủ chi phí để học nghề hay chăm lo cho con cái trong thời gian tìm việc làm mới.
Nghị định 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế nêu rõ, đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giữ các chức danh bầu cử: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng.
Còn đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giữ các chức danh không do bầu cử: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp được hưởng trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng. Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên.
Theo lãnh đạo một số xã, việc hưởng trợ cấp cho đối tượng không chuyên trách khá thấp so với những trường hợp khác. Do đó, việc tăng thêm mức hỗ trợ chính là ghi nhận sự đóng góp, cống hiến của đội ngũ này trong sự phát triển chung của địa phương và phần nào giúp họ có thêm nguồn vốn để bắt đầu một công việc mới thuận lợi hơn đúng tinh thần chung “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đắk Nông hiện có 71 xã, phường, thị trấn. Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 5/5/2022 của HĐND tỉnh quy định chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, gồm: Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã; Thủ quỹ - văn thư - lưu trữ; Cán bộ Đài truyền thanh - Quản lý Nhà văn hóa; Cán bộ Văn phòng - Tuyên giáo Đảng ủy; Cán bộ Tổ chức - Kiểm tra Đảng ủy; Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam; Chủ tịch Hội Người cao tuổi; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ; Phó Bí thư Đoàn thanh niên; Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ; Phó Chủ tịch Hội Nông dân; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Nhân viên thú y.
Đồng thời, số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí theo phân loại đơn vị hành chính, trong đó cấp xã loại 1 tối đa 14 người; cấp xã loại 2 tối đa 12 người và cấp xã loại 3 tối đa 10 người. Thực hiện Quyết định số 759/QĐ-TTg, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang nghiên cứu, xem xét để có thể sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố.