Được ngân hàng giải ngân vốn kịp thời, các cấp hội, đoàn thể hướng dẫn đầu tư vào mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, nhiều người dân xã Tâm Thắng (Cư Jút) từng bước ổn định sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Cách đây hơn 3 năm, kinh tế gia đình anh Nguyễn Văn Nam, ở thôn 3, xã Tâm Thắng, còn gặp nhiều khó khăn. Gia đình anh có đất rẫy, nhưng thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, nên hiệu quả sản xuất thấp. Hằng năm, kinh phí sinh hoạt, con cái học hành luôn là nỗi lo thường trực của gia đình.
Trước hoàn cảnh này, vào đầu năm 2018, gia đình anh được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Cư Jút giải ngân cho vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ nghèo.
Cùng với nguồn vốn, gia đình anh còn được cấp hội địa phương hướng dẫn tham gia các lớp tập huấn chăm sóc cây trồng. Từ đây, gia đình anh đầu tư đúng cách vào hơn 1,5 ha cà phê. Vườn cây phát triển tốt, năng suất cao hơn. Thu nhập của gia đình anh từng bước được cải thiện.
“Vụ mùa này, gia đình tôi thu hoạch được gần 5 tấn cà phê nhân. Giá cà phê được cải thiện, nên gia đình có thêm thu nhập. Không những có kinh phí trang trải con cái học hành, mà áp lực về trả lãi, gốc ngân hàng cũng không đáng lo ngại”, anh Nam cho biết.
Cách đó không xa, gia đình chị Lê Thị Hường, cũng từng bước thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Đầu năm 2020, gia đình chị được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH. Với số vốn này, chị Hường mua dê giống và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi.
Tận dụng nguồn thức ăn tại vườn, 6 con dê giống ban đầu nay đã phát triển lên 18 con. Theo tính toán của chị Hường, mỗi năm chị xuất bán 2 lứa dê, mang lại nguồn thu nhập hơn 40 triệu đồng.
“Thủ tục vay vốn từ NHCSXH đơn giản. Lãi suất ưu đãi nhiều, thời gian vay vốn dài hạn, nên nông dân chúng tôi đỡ áp lực trả nợ”, chị Hường chia sẻ.
Cũng theo chị Hường, thời gian tới, gia đình có ý định mở rộng quy mô chăn nuôi dê. Nếu quá trình chăn nuôi thuận lợi, sang năm 2022, gia đình chị sẽ trả nợ trước hạn cho ngân hàng.
NHCSXH huyện Cư Jút giao dịch với người dân xã Tâm Thắng |
Thời gian qua, thông qua 4 tổ chức hội nhận ủy thác trên địa bàn xã Tâm Thắng, nhiều người dân tại địa phương được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất. Hệ thống các tổ Tiết kiệm và Vay vốn trên địa bàn xã hoạt động hiệu quả. Nhờ đó, nhu cầu vay vốn của người dân được phản ánh kịp thời.
Quá trình vay và giải ngân nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH cũng được thực hiện nhanh chóng. Nhiều khó khăn, vướng mắc của bà con trong xã về sử dụng vốn, trả nợ lãi, gốc, gửi tiết kiệm… đều được tháo gỡ sát sao.
Theo ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, toàn xã hiện có hơn 700 hộ gia đình vay vốn ưu đãi thông qua các chương trình tín dụng chính sách. Dư nợ của người dân tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cư Jút là hơn 35 tỷ đồng.
“Đến nay, hầu hết các hộ vay vốn ưu đãi đều có hướng đầu tư đúng cách. Hiệu quả kinh tế trong từng gia đình không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ giảm nghèo tại xã từng bước giảm xuống”, ông Quang cho biết.