Tấm lòng người Gia Nghĩa (kỳ 3): "Khó vạn lần dân liệu cũng xong"
Đóng góp về vật chất, tinh thần của người dân để xây dựng TP. Gia Nghĩa là rất lớn. Những đóng góp đó là minh chứng cho quan điểm "khó vạn lần dân liệu cũng xong"...
Phong trào hiến đất ở Gia Nghĩa
Lâu nay, hiến đất cho Nhà nước để xây dựng các công trình công cộng đã trở thành phong trào lớn của người dân ở TP. Gia Nghĩa. Nhiều khu vực trung tâm, được xem là "đất vàng", nhưng người dân đã sẵn sàng hiến cho Nhà nước.
Điển hình là Dự án Nâng cấp, mở rộng đường tổ dân phố 1, phường Nghĩa Phú có 132 hộ dân hiến tổng diện tích 6.500m2 đất để xây dựng các hạng mục. Dự án đường Lê Hồng Phong nối dài đường tránh TP. Gia Nghĩa có 136 hộ dân hiến 13.094 m2 đất.
Dự án đường từ ngã tư đường tránh TP. Gia Nghĩa đi Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) có 225 hộ dân hiến 16.225 m2 đất.
Còn Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Lê Thánh Tông có 132 hộ dân hiến 4.177 m2 đất. Dự án ổn định dân di cư tự do phường Quảng Thành có 100 hộ dân hiến 75.000 m2 đất.
Đường từ thôn Nghĩa Hoà của xã Đắk Nia đến đường đối ngoại phường Quảng Thành có 30 hộ dân hiến cho Nhà nước 12.000 m2 đất.
Tính từ năm 2015 đến nay, TP. Gia Nghĩa đã có trên 750 hộ dân hiến đất cho Nhà nước để xây dựng các công trình hạ tầng. Tổng cộng đã có 127.000m2 đất do người dân hiến cho các cấp chính quyền ở Gia Nghĩa. Trong đó, đất đô thị được người dân hiến vào khoảng 114.000m2, tương đương khoảng 45 tỉ đồng.
Phong trào hiến đất ở Gia Nghĩa đã lớn tới mức kể cả người nghèo, hoàn cảnh khó khăn cũng tham gia. Thậm chí có những gia đình còn nhiều lần hiến đất cho thành phố để xây dựng công trình phúc lợi.
Gia đình bà Lê Thị Hải Hậu, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) là một ví dụ. Gia đình bà đã từng 2 lần hiến đất cho Nhà nước xây dựng, nâng cấp đường giao thông.
Bà Hậu cho biết, mặc dù gia đình đang còn nhiều khó khăn, nhà ở tạm bợ. Thế nhưng, vì mục tiêu chung là xây dựng TP. Gia Nghĩa trở nên giàu đẹp, gia đình bà sẵn sàng hiến đất cho Nhà nước làm đường. Tổng giá trị diện tích đất 2 lần bà hiến cho Nhà nước lên tới hàng trăm triệu đồng.
Khi hiến đất, nhiều cây trồng trên đất cũng phải chặt bỏ. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn thu nhập của gia đình sẽ hao hụt, ảnh hưởng rất nhiều. Thế nhưng, điều đó cũng không ngăn cản được tinh thần xây dựng Gia Nghĩa của bà.
“Nếu 6 cây sầu riêng không bị chặt bỏ để hiến đất làm đường, vụ mùa này gia đình tôi có thêm thu nhập mấy chục triệu đồng. Nhưng chừng đó cũng chả nghĩa lý gì đối với việc xây dựng một tuyến đường để phục vụ Nhân dân đi lại”, bà Hậu chia sẻ.
Bài học quý từ sức dân
Lãnh đạo UBND TP. Gia Nghĩa cho biết, qua sự ủng hộ, đóng góp về của cải, tinh thần từ người dân đã để lại nhiều bài học quý giá. Trong đó, để khơi dậy được tinh thần cống hiến của người dân, trước hết cán bộ, chính quyền phải biết chăm lo cho Nhân dân.
Lấy ví dụ, đối với Dự án Quảng trường trung tâm TP. Gia Nghĩa, nếu không có sự chuẩn bị tốt, không có biện pháp bảo đảm cuộc sống cho người dân sau khi giải tỏa, rất khó để thành công trong giải phóng mặt bằng.
UBND TP. Gia Nghĩa xác định, cái khó khăn nhất khi giải phóng mặt bằng là tạo nơi ở mới cho người dân. Nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ người dân mới chấp nhận, đồng thuận giao đất.
Vì thế, từ nhiều năm trước, UBND TP. Gia Nghĩa đã mạnh dạn đề xuất và được UBND tỉnh thống nhất cho xây dựng khu tái định cư Bờ Đông để bố trí đất ở cho những trường hợp bị giải tỏa.
Hiện nay, khu tái định cư Bờ Đông có thể chưa hoàn thiện hạ tầng, nhưng về lâu dài sẽ tốt hơn, đẹp hơn nơi ở cũ của bà con. Chính vì thế, khi được bố trí tái định cư ở đây, phần lớn bà con đều vui vẻ chấp nhận.
Ông Đỗ Tấn Sương, Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa cho biết, một bài học lớn khác về huy động sức dân đó là khâu tuyên truyền, vận động. Qua tuyên truyền, vận động, bà con sẽ thấy được những lợi ích lớn từ việc đầu tư, xây dựng hạ tầng.
Chẳng hạn, qua tuyên truyền, vận động, bà con sẽ thấy việc Nhà nước đầu tư làm đường thì khu phố, đô thị sẽ khang trang, đẹp hơn, giá trị đời sống nâng lên. Từ đó, bà con sẵn sàng giao đất, thậm chí hiến đất cho Nhà nước thực hiện các dự án.
Trong giai đoạn vừa qua, TP. Gia Nghĩa giải phóng mặt bằng rất nhiều và hầu hết đều diễn ra suôn sẻ. Thuận lợi này cũng nhờ có sự gương mẫu, tiên phong của những cán bộ, đảng viên có đất, tài sản nằm trong vùng các dự án.
Phần lớn họ đã tự nguyện bàn giao mặt bằng đúng quy định, thậm chí còn hiến đất cho Nhà nước thực hiện các dự án. Chính vì vậy, cán bộ, đảng viên đã trở thành tấm gương để quần chúng làm theo.
Cũng theo ông Sương, trong giải phóng mặt bằng, khâu minh bạch cũng rất quan trọng. Khi cán bộ, chính quyền thực hiện các quy định về đền bù, tái định cư một cách minh bạch, trong sáng, đúng quy định thì sẽ được lòng người dân.
TP. Gia Nghĩa luôn xác định, giải phóng mặt bằng phải minh bạch, đúng quy định và bảo đảm quyền lợi tối đa cho người dân trong phạm vi cho phép của pháp luật. Cách làm này thực tế đã được người dân ủng hộ cao.
Mục tiêu của TP. Gia Nghĩa là phát triển theo hướng thông minh, hiện đại. Thời gian tới, thành phố tiếp tục có những dự án lớn để xây dựng, phát triển đô thị. Vì thế, kinh nghiệm từ việc huy động sức dân thời gian qua sẽ giúp ích rất nhiều cho chính quyền thành phố.