Tấm lòng người Gia Nghĩa (kỳ 2): 225 hộ dân cùng hiến đất trong một dự án
Với cách làm hay, TP. Gia Nghĩa đã vận động được 225 hộ dân cùng hiến đất để thực hiện một dự án giao thông. Trong số những người hiến đất, có cả hộ nghèo. Đây là điển hình về sự chung sức, đồng lòng trong quá trình xây dựng TP. Gia Nghĩa.
Hộ nghèo nhưng giàu tấm lòng
Dự án Đường đi vào Khu di tích lịch sử bon Cây Xoài, Tổ dân phố 5, phường Nghĩa Tân do Ban Quản lý Dự án và phát triển quỹ đất TP. Gia Nghĩa làm chủ đầu tư. Dự án có tổng nguồn vốn đầu tư 57 tỉ đồng.
Quy mô tuyến đường dài 2,8 km; rộng 18,5m (trong đó lòng đường 10,5m, vỉa hè mỗi bên 4m). Dự án đã khởi công và hiện đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong 20 tháng.
Trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng cho dự án, chính quyền địa phương đã có nhiều cách làm hay. Trong đó, khâu tuyên truyền, vận động được chú trọng hàng đầu. Chính vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng được người dân đồng thuận cao. Điển hình là có tới 225 hộ hiến đất cho dự án.
Đáng chú ý, không chỉ những hộ có điều kiện, mà hộ nghèo cũng sẵn sàng hiến những “tấc vàng” của mình để làm đường. Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Dung, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Tân.
Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, có 3 người con thì 1 cháu bị khuyết tật. Thế nhưng, chị đã hiến 7m đất mặt tiền, tự tháo dỡ căn nhà đang ở để phục vụ dự án.
Cảm phục trước tinh thần cống hiên này, UBMTTQ TP. Gia Nghĩa hỗ trợ gia đình chị 50 triệu đồng. Từ nguồn hỗ trợ này, chị vay mượn thêm người thân để làm lại căn nhà khác khoảng 200 triệu đồng, giúp ổn định cuộc sống.
Ông Trịnh Văn An, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 5, phường Nghĩa Tân cho biết, ban đầu, thành phố và phường tổ chức các buổi họp dân thảo luận giải phóng mặt bằng cho dự án. Sau đó, địa phương chia từng nhóm, từng tổ cán bộ đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động.
Cách làm này đã giúp người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, lợi ích của dự án. Từ đó, đa số bà con đồng tình, ủng hộ cao. Một số hộ dân ban đầu chưa thông nhưng nhờ được vận động nên đã đồng thuận.
“Chúng tôi đã đến từng hộ dân, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Sau khi được chúng tôi giải thích cặn kẽ thì người dân đồng tình, ủng hộ cao”, ông An chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Đồng, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Tân cho biết, trước kia là con đường đất chật hẹp, mùa mưa lầy lội, mùa nắng bụi bặm, rất khó đi. Tuyến đường này dân cư đi lại phục vụ sản xuất nông nghiệp, con em đi học rất nhiều.
Do đó, khi Nhà nước đầu tư làm đường, gia đình ông đã tiên phong hiến 250m mặt đường và khoảng 100 triệu đồng là trị giá tài sản trên đất. "Ngoài lợi ích chung, việc tặng hiến như vậy còn là thể hiện tấm lòng, tinh thần trách nhiệm của gia đình đối với thành phố", ông Đồng bày tỏ
Anh Mai Văn Phúc, cũng ở tổ dân phố 5, hiến hơn 140m đất mặt tiền cho dự án. Ngoài ra, anh còn tích cực vận động người thân, bạn bè, làng xóm cùng hiến đất để làm đường.
Theo anh Phúc, trước đây, địa phương từng làm tuyến đường này và có bồi thường, hỗ trợ cho bà con. Còn lần này, lãnh đạo thành phố nói với bà con rằng, kinh phí làm đường của địa phương eo hẹp, mong nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của Nhân dân…
Chia sẻ khó khăn chung với thành phố, anh Phúc đã đồng tình ngay với phương án hiến đất. "Mình vì mọi người, mọi người vì mình. Hiến một ít đất để cho xã hội, cho thành phố ngày một tốt đẹp hơn” anh Phúc chia sẻ.
Cán bộ, đảng viên đi trước
Trong số 225 hộ dân hiến đất cho Dự án Đường đi vào Khu di tích lịch sử bon Cây Xoài, có 11 hộ là cán bộ, đảng viên. Họ đều là những người gương mẫu, đi đầu trong hiến đất, bàn giao mặt bằng.
Ông Trịnh Văn An, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 5 là người đầu tiên ký vào biên bản hiến đất cho dự án. Ông An chia sẻ: “Với cương vị là bí thư chi bộ, tôi đã vận động gia đình gương mẫu, đi đầu hiến đất để cho người dân làm theo”.
Còn anh Y Mang, Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 5, cũng hành động tương tự. Y Mang cho biết, ở tổ dân phố 5 có 85 hộ đồng bào dân tộc Mạ, M’nông. Anh đã tự nguyện tháo dỡ mái vòm, cổng, hàng rào… với mục đích để bà con làm theo.
Bản thân anh đi thuyết phục từng người vợ, người chồng trong 85 hộ đó. Nhờ đó, bà con đã hiểu tuyến đường mới sẽ được đầu tư mở rộng, việc đi lại, sản xuất thuận lợi hơn. Nhờ đó, bà con đã thống nhất tự giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho dự án.
Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Thạch Cảnh Tịnh đánh giá, mỗi tấc đất mà người dân hiến cho Nhà nước đều rất quý giá. Đây là tấm lòng bà con chia sẻ cùng thành phố để xây dựng hạ tầng cơ sở.
Tuyến đường này là 1 trong 5 dự án có vị trí quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Với việc người dân tích cực hiến đất đã giúp dự án triển khai thuận lợi hơn.
Tuyến đường hoàn thành không chỉ thúc đẩy phát triển sản xuất mà còn giúp người dân đi lại, vận chuyển nông sản dễ dàng hơn. Đặc biệt, tuyến đường sẽ giúp thu hút du khách đến tham quan Khu di tích lịch sử bon Cây Xoài nhiều hơn.