Tài sản trôi sông, nhiều người ở Đắk Nông mòn mỏi chờ hỗ trợ
Sông Krông Nô đoạn qua xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô (Đắk Nông) sạt lở, cuốn trôi nhiều tài sản của người dân. Mặc dù cơ quan chức năng đã làm rõ nguyên nhân và lên phương án bồi thường, nhưng đến nay nhiều hộ dân vẫn chưa nhận được.
Xót xa nhìn tài sản trôi sông
Gần 20 năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn tới thôn Xuyên Hà, xã Đức Xuyên mua đất, làm ăn. Khi đó, rẫy cà phê của gia đình ông Sơn nằm cách bờ sông cả chục mét.
Thế nhưng, hiện nay nhiều hàng cà phê của gia đình ông Sơn chỉ cách lòng sông chưa đầy nửa mét. Cây cối, hoa màu và hàng trăm khối đất, cát của gia đình đã bị dòng sông Krông Nô cuốn trôi.
Ông Sơn cho biết, so với diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, gia đình ông đã bị mất hơn 1,5 sào. Dòng sông biến dạng mạnh, nhiều đoạn ăn sâu gần hết diện tích đất của gia đình, lấn cả sang đất nhà hàng xóm.
Chỉ tay về vị trí đất vừa bị sạt lở, ông Sơn bức xúc, hàng chục gốc cà phê đang chuẩn bị thu hoạch lần lượt rơi xuống dòng nước. Một số vị trí khác, cà phê đã vàng, héo rũ do phần đất phía dưới gốc đã bị sạt lở, chỉ vài hôm nữa những cây cà phê này sẽ bị dòng nước cuốn trôi.
“Là nông dân, bây giờ tài sản thiệt hại như thế này, chúng tôi rất xót xa. Nhìn cà phê rớt xuống sông, có những cây trái đã chín đỏ mà không dám xuống hái vì sợ đất sạt lở, đè lấp vào người”, nông dân này cho hay.
Tương tự vườn cà phê nhà ông Sơn, 6 năm qua, nhiều diện tích cà phê của gia đình bà Nguyễn Thị Thu (ngụ cùng thôn) bị dòng nước cuốn trôi.
Mỗi khi nhắc về chuyện đất đai, tài sản trên đất bị sạt xuống lòng sông Krông Nô, bà Thu không khỏi bàng hoàng, chua xót vì tài sản cả đời gây dựng, chỉ trong phút chốc đã bị nước cuốn trôi.
Bà Thu Chia sẻ: “Mỗi ngày con sông này đều dịch chuyển vào sát vườn rẫy của chúng tôi. Trước đây nhà có vài sào đất để trồng cây ngắn ngày, nhưng bây giờ đã mất gần 3 sào. Sạt lở diễn ra nhiều nhất là vào ban đêm hoặc khi thủy điện xả nước nên có khi, cả một khoảng đất rộng lớn đổ ụp xuống nước, người dân không thể trở tay kịp”.
Bà Thu cho biết thêm, trước đây hai bên bờ sông Krông Nô rất kiên cố, cứ một bên lở, một bên bồi. Tuy nhiên, vài năm qua, bờ sông ở khu vực này liên tục bị sạt lở cả hai bên. Có những năm sạt lở mạnh, khiến rất nhiều hộ dân bị thiệt hại tài sản.
Chậm trễ bồi thường, hỗ trợ
“Mất ăn mất ngủ” vì sông Krông Nô sạt lở nên nhiều năm qua, người dân địa phương đã kiến nghị với cơ quan chức năng có giải pháp xử lý và hỗ trợ người dân.
Cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở hai bên bờ dòng sông là do khai thác cát và hoạt động của Thủy điện Buôn Tua Sarh (thuộc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp).
Sau đó, chính quyền huyện Krông Nô đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác kiểm đếm diện tích bị thiệt hại, thực hiện lập phương án bồi thường, hỗ trợ người dân.
Bà Nguyễn Thị Thu cho biết: “Qua kiểm đếm, gia đình tôi nằm trong đợt hỗ trợ thứ 6 (sạt lở trước năm 2019) nhưng đến nay gia đình vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ nào. Trong khi chờ tiền hỗ trợ thì tài sản của gia đình tôi vẫn tiếp tục bị sạt lở”.
Chung tình cảnh với bà Thu, gia đình bà Ngô Thị Thuận đã bị sạt lở 1 sào đất, trong tổng số 5 sào đất canh tác. Mặc dù đã đo đạc, kiểm đếm, thống kê thiệt hại, nhưng nhiều năm qua, gia đình bà Thuận vẫn chưa được các đơn vị liên quan hỗ trợ, bồi thường.
Bà Thuận mong mỏi: “Bây giờ đất bị cuốn trôi hết rồi nên không thể lấy lại được. Người dân chỉ mong sớm nhận được hỗ trợ để có tiền đầu tư vào công việc khác”.
Phần lớn các hộ dân ở xã Đức Xuyên có đất canh tác dọc sông Krông Nô đều bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở đất. Theo phản ánh của người dân, từ đợt hỗ trợ lần thứ 5 trở về trước, các hộ đã nhận được bồi thường hỗ trợ.
Tuy nhiên, đợt hỗ trợ thứ 6 và 7, từ năm 2023 tới nay (đợt 6 có 28 hộ đã được kiểm đếm, đo đạc, đợt 7 mới cắm mốc chưa đo đạc) nhưng đến nay các đơn vị liên quan chưa thực hiện hỗ trợ, bồi thường.
Việc chậm trễ bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân là do vướng mắc trong phối hợp giải quyết. Ngày 23/11/2023, UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản số 7152 yêu cầu Công ty Thủy điện Buôn Kuốp thực hiện bồi thường hỗ trợ theo hướng tự thỏa thuận để bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân.
Tuy nhiên, sau đó Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết, đơn vị không đủ cơ sở để đứng ra thỏa thuận đơn giá bồi thường hỗ trợ với người dân và tự phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ.
Theo UBND xã Đức Xuyên, khu vực sạt lở đất bờ sông Krông Nô đều là đất sản xuất của người dân. Hiện nguy cơ sạt lở vẫn thường trực. Nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời, tình trạng sạt lở sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài sản của Nhân dân và một số công trình dân sinh khác.
Ông Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Xuyên kiến nghị: “Trong khi chờ các bên thống nhất phương án giải quyết, địa phương vẫn tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình trạng để kịp thời báo cáo cơ quan chức năng. Chính quyền xã Đức Xuyên kiến nghị các đơn vị liên quan sớm thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại để ổn định tình hình sản xuất và tránh gây tâm lý bức xúc trong Nhân dân”.