Văn nghệ

Tác nghiệp ở một bản làng

Hoàng Khánh Duy 20/06/2023 12:47
en-khan-gia-111958499.jpg
Ảnh minh họa

Rời khỏi tòa soạn, Hải Miên miên man nghĩ về gợi ý nội dung của lãnh đạo:

- Anh đang cần bài viết về một miền quê nghèo, về những đứa trẻ khát khao được đến trường nhưng không đủ điều kiện, về ước mơ cháy bỏng và thực tại thiếu thốn tối tăm… Hải Miên, em làm được chứ?

Lúc đó, Hải Miên đã gật đầu ngay. Nội dung mà sếp đưa ra cũng là điều Hải Miên ấp ủ. Không như những lần trước, sếp không ra thời hạn để Hải Miên hoàn tất bài viết. Bởi sếp tạo cơ hội để Hải Miên có thời gian viết thật xúc động về vấn đề này.

Hải Miên là cô phóng viên trẻ tuổi. Trong thời gian thực tập tại tòa soạn, Hải Miên đã chứng minh được với sếp sự năng nổ, nhiệt thành, sức trẻ, đam mê và trách nghiệm của một người làm báo. Sau khi tốt nghiệp đại học, Hải Miên được nhận vào tòa soạn, trở thành phóng viên trẻ nhất. Lãnh đạo luôn tin tưởng và giúp đỡ Hải Miên. Anh đã tận tay sửa giúp cô những bài viết đầu tiên, đưa ra những lời khuyên để Hải Miên nhận ra nghề báo là một nghề vô cùng cao quý, còn chữ nghĩa có sức nặng ngàn cân.

“Phải viết gì đây?”, Hải Miên nghĩ. Cô xoay xoay ly cà phê trong hai lòng bàn tay, mắt nhìn xa xăm, lòng cô vời vợi nghĩ về những nơi mình đã đi qua. Trong giây phút ấy, hình ảnh bản X hiện lên trong tâm trí của cô. Bản X là một bản nhỏ thuộc huyện miền núi xa xôi, nơi Hải Miên đã từng đặt chân đến và rời đi trong mùa mưa năm ấy. “Phải rồi, bản X, nhất định mình phải trở lại đó một lần nữa”.

***

Từ thành phố cô sống và làm việc đến bản là chặng đường xa xôi, có đoạn đường dốc, trời mưa lầy lội cô phải xuống xe, xắn quần đi bộ. Đến được bản, bùn đã bám đầy người cô phóng viên nhỏ. Hải Miên hiểu ra rằng, khi làm báo, để có được một bài viết ưng ý, người ta không thể ngồi một chỗ mà tưởng tượng để viết nên những con chữ bóng bẩy. Làm báo là phải trải nghiệm, dấn thân, thậm chí là hi sinh.

Đêm đầu tiên ở bản là một đêm mưa dầm. Trưởng bản biết Hải Miên là nhà báo từ thành phố đồng bằng lên tận bản để lấy tin viết bài về vùng quê nghèo khó của ông nên sẵn lòng cho Hải Miên ở tạm một gian nhỏ trong nhà, tuy không quá tiện nghi nhưng cũng có chỗ để cô phóng viên nghỉ lưng. Bản nằm trên núi cao nên không khí quanh năm giá lạnh, những cơn mưa trắng trời bất chợt đổ xuống. Vợ trưởng bản đãi Hải Miên món cháo gà rừng, còn trưởng bản ngồi kể cho Hải Miên nghe về tình hình bản những năm gần đây, về ngôi trường ở phía xa kia - theo hướng chỉ tay của trưởng bản - vẫn còn nằm trong kế hoạch xây cất.

- Đêm nay cháu nghỉ lại đây, sớm mai bác sẽ đưa cháu  vào trong bản. Ở đây, đám con nít thích học chữ, bọn chúng ngưỡng mộ “người có học thức” như cháu lắm!

Hải Miên nhìn bác trưởng bản nở một nụ cười hiền lành. Mây vẫn đen và đặc quánh trên bầu trời. Rừng bên kia đồi xào xạc lá. Bản nhìn có vẻ thơ mộng hữu tình nhưng ẩn chứa bên trong những hoàn cảnh nghèo khó, những lạc hậu cũ kỹ… cần lắm tấm lòng và đôi bàn tay của nhà hảo tâm vực dậy vùng quê này.

***

Chiếc xe cà tàng của trưởng bản đưa Hải Miên lên khỏi con dốc quanh co, buổi sớm lạnh, mây mù bay quanh đỉnh núi. Đứng trước một nền đất mà đêm qua cơn mưa rừng đã làm đất bùn nhão nhoẹt, cây cỏ ngã rạp, bác trưởng bản nói:

- Cháu thấy không, nghe tin trường học sẽ được xây dựng ở bản nên bà con trong bản mỗi người một tay, một việc phát quang, dọn nền. Nền thì đã dọn mà đến giờ trường vẫn chưa mọc lên.

- Tin tức xây trường đã có lâu chưa, bác nhỉ?

- Lâu lắm rồi, bản cứ háo hức mong đợi, nhất là bọn trẻ. Chúng nó mách nhau sắp tới sẽ được đi học chữ, thoát khỏi cái mù chữ, lạc hậu như đời bố mẹ, đời ông bà chúng… Thế mà…!

Hải Miên nhìn khoảng đất trống, lòng ngậm ngùi. Hình như đồng bào bản mỗi ngày chờ đợi sự xuất hiện của trường học cho bọn trẻ nên khi cỏ mọc lên họ lại phát quang, mưa làm nền đất lở họ lại đắp lên cho vững chãi. Nhưng biết đến khi nào những bức tường kiên cố mới được dựng lên? Biết đến bao giờ bản văng vẳng tiếng trẻ con đánh vần, đọc thơ? Biết đến bao giờ những khuôn mặt trẻ thơ mới thôi lấm lem bùn đất, ướm lên mình tấm áo học trò rộn rã đến trường rộn rã trở về, trong tim ấp ôm bao giấc mơ khát vọng?…

Những gì bác trưởng bản nói, Hải Miên đều ghi lại tỉ mỉ và mở thêm chiếc máy ghi âm.

Qua hết cung đường này sẽ vào được khu dân sinh của bản. Đó là nơi đồng bào sống trong những căn nhà gỗ cũ, sống bằng nghề trồng lúa, trồng hoa màu, chăn nuôi trâu, bò, lợn trước khoảng sân trống. Bác trưởng bản đèo Hải Miên vào đó. Đường đi hầu hết là đường đất. Trời nắng đường còn khô ráo, dễ đi chứ trời mưa con đường ướt nhầy, nhiều người đã bị trượt chân khi đi chợ, đi rẫy… Hôm bác trưởng bản và Hải Miên vào để lấy tin tức, đường vẫn còn xăm xắp nước. Thấy bác trưởng bản và cô phóng viên có đeo máy ảnh trước ngực, đám trẻ con chạy theo reo hò, vỗ tay.

Nhìn những đôi mắt sáng, cái miệng cười trên khuôn mặt lấm lem bùn đất, tự dưng Hải Miên thấy xót xa. Chúng quý người thành phố bởi với chúng, người thành phố là những người được đi học, có kiến thức. Chúng ước ao một ngày không xa sẽ đặt chân đến thành phố để biết rằng ở đó sang trọng, rộn rã như thế nào. Chúng chưa tưởng tượng được hết, nhưng chắc chắn rằng nơi đó khác xa cái bản nghèo khổ, heo hút mà chúng đang sống.

- Nhỏ, lại cô cho quà này! - Hải Miên gọi một đứa trẻ mặc đồ thổ cẩm dân tộc, ngồi trước nhà nhai ổi rừng lép nhép.

Thằng nhỏ lon ton chạy lại, cười tươi rói. Hải Miên lấy trong giỏ ra cuốn tập, cây bút và một ít quà bánh đưa cho đứa nhỏ, lấy thêm một ít nữa chia cho đám con nít đang quây quần xung quanh. Quà ít thật nhưng đứa trẻ nào cũng được “quà thành phố”. Chúng vui lắm, đứa nào cũng ngoan ngoãn, lễ phép, gật đầu sau khi nhận quà. Hải Miên hỏi tiếp:

- Thế các con ước mơ gì, nói cô nghe với?

Bọn chúng đồng thanh đáp:

- Chúng con ước mơ được đi học, được viết tên Bác Hồ, được đi thành phố chơi.

- Ở thành phố vui lắm! - Hải Miên nói - Sau này các con học giỏi, ra thành phố cô dẫn đi tham quan nhé!

Đứa nhỏ nhai ổi ban nãy mỉm cười. Nụ cười thằng bé trông thật trong sáng. Những đứa trẻ nâng niu từng cây bút, quyển tập mà Hải Miên tặng. Lạ thật, là trẻ con nhưng chúng không mê kẹo ngọt, bánh ngon, lại thích tập vở, sách bút. Hải Miên chợt nghĩ đến những đứa trẻ có đủ điều kiện học hành, học trường nước mình rồi học cả trường quốc tế, đi học có ô tô đưa đón… Ấy vậy mà kết quả học tập vẫn lèo tèo. Hải Miên thấy lòng thương cảm những đứa trẻ - những mầm non đang lớn lên trên miền đất ấy. Cô giơ máy ảnh lên định chụp, đám con thấy máy ảnh nên ngượng nghịu, gãi đầu, xoay mặt đi. Rất may Hải Miên đã chụp được vài tấm ảnh chất lượng vừa để minh họa cho bài viết, vừa để lưu niệm. Trong tấm ảnh, điểm nổi bật chính là nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ.

Gặp gỡ thêm vài người trong bản mà bác trưởng bản giới thiệu, trời đã quá trưa, nắng đã lên trên đỉnh đầu, Hải Miên và bác trở lại nhà dùng bữa trưa mang hương vị núi rừng dân dã. Khi chiếc xe cà tàng của bác trưởng bản chạy ra khỏi nơi có những đứa trẻ ngồi khoe nhau quà sách mà cô phóng viên thành phố tặng, tự dưng Hải Miên thấy mắt mình ươn ướt. Một nỗi xúc động len lỏi trong tâm hồn của cô.

***

Đêm ấy, Hải Miên ngồi viết bài gửi về tòa soạn. Bao nhiêu nỗi cơ cực nhọc nhằn của đồng bào, khao khát đam mê, ước mơ trong sáng… của bọn trẻ đều được Hải Miên đưa vào bài viết. Gần sáng, khi con gà rừng gáy vang là lúc bài viết của Hải Miên hoàn thành. Ở đây sóng điện thoại chập chờn lúc có lúc không, nhưng bằng nỗ lực Hải Miên vẫn gửi được bài cho ban biên tập.

Trời hửng sáng, Hải Miên thức dậy sau giấc ngủ mơ hồ loáng thoáng nụ cười trẻ thơ. Điện thoại khẽ rung, một tin nhắn, từ sếp. “Giỏi lắm, Hải Miên. Đây không chỉ là một bài phóng sự mà còn là một tác phẩm mà em viết bằng cả trái tim. Thật đáng khen!”. Hải Miên khẽ mỉm cười. Cô sung sướng không phải vì những lời khen có cánh từ sếp mà vì mình đã chuyển tải được những ao ước, những giấc mơ của trẻ thơ và người trong bản vào bài.

Bài viết đăng tải đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh. UBND tỉnh có văn bản kiểm tra, rà soát việc xây dựng trường học tại bản X. Một số nhà hảo tâm khi đọc bài viết đã đồng cảm gọi điện về tòa soạn hỏi thăm địa chỉ cụ thể và cách liên hệ để hỗ trợ xây dựng trường học và thực hiện một số hoạt động thiện nguyện.

Rồi một ngày không xa trường học sẽ được dựng lên trên mảnh đất cỗi cằn này. “Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa…”, cô loáng thoáng nhớ đến câu thơ ấy. Những đứa trẻ kia sẽ nở hoa, sẽ sống những cuộc đời đáng sống, có ích và không ngừng cống hiến cho bản làng, cho quê hương đất nước.

Hải Miên rời bản. Trời nắng đẹp. Mưa đã lui dần phía bên kia đồi.

Cô rời bản mang theo niềm nhớ xa xôi về thành phố. Nhưng chắc chắn một ngày trong tương lai cô sẽ trở lại đây. Vì bản hằn in những ký ức đẹp trong chuyến tác nghiệp đáng nhớ của cô phóng viên trẻ trung, sôi nổi.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Tác nghiệp ở một bản làng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO