Binh sỹ thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) tuần tra tại Leer, Nam Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 20/6, Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Nam Sudan kiêm người đứng đầu Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại nước này (UNMISS), ông Nicholas Haysom cho biết cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Sudan đang tác động đến nhiều mặt ở Nam Sudan.
Phát biểu tại cuộc họp báo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Haysom cho biết thêm kể từ giữa tháng Tư đến nay, khi xung đột nổ ra ở Sudan, hơn 117.000 người đã vượt biên từ Sudan đến Nam Sudan, 93% trong số này là người Nam Sudan trở về quê nhà.
Theo ông Haysom, tác động kinh tế từ cuộc xung đột tại Sudan đã phủ bóng đen lên tình hình vốn đã mong manh ở Nam Sudan.
Ông cảnh báo việc hoạt động nhập khẩu từ Sudan bất ngờ bị gián đoạn đã khiến người dân ở Nam Sudan không có đủ các mặt hàng thiết yếu.
Về mặt chính trị, ông Haysom cho rằng cuộc xung đột ở Sudan làm giảm sự tập trung cả ở cấp độ quốc tế cho Nam Sudan, quốc gia vốn đang trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng.
Theo ông, khủng hoảng ở Sudan cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến việc thực hiện thỏa thuận hòa bình ở Nam Sudan.
Ông Haysom đánh giá với tình hình hiện tại, Nam Sudan chưa sẵn sàng thực hiện tiến trình bầu cử mặc dù tất cả bên liên quan đều nhận thấy nhu cầu cấp thiết của việc này.
Ông Haysom bày tỏ tin tưởng với nỗ lực thống nhất giữa các bên, Nam Sudan có thể vượt qua khó khăn, đồng thời hy vọng sự hợp tác và lãnh đạo bền vững có thể giúp thay đổi tích cực cuộc sống của người dân nước này.
Sudan bị cuốn vào cuộc xung đột giữa các phe phái quân sự đối địch trong hơn 2 tháng qua. Giao tranh giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Các Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF) đối địch đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và 2,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, cũng như châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn.
Hôm 20/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố khoản hỗ trợ nhân đạo bổ sung 172 triệu USD cho Sudan và các nước láng giềng đang chịu tác động của khủng hoảng nhân đạo.
Với khoản tài trợ trên, tổng số tiền hỗ trợ nhân đạo mà Mỹ cung cấp cho Sudan và các nước láng giềng, bao gồm Chad, Ai Cập, Ethiopia, Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, để đáp ứng nhu cầu của người tị nạn, người sơ tán trong nước và những người bị ảnh hưởng bởi xung đột trong khu vực, tăng lên hơn 550 triệu USD.
Về tình hình thực tế tại Sudan, sáng 21/6, đụng độ đã tái diễn ở một số khu vực tại thủ đô Khartoum của Sudan ngay trước khi lệnh ngừng bắn giữa các bên đối địch kéo dài 72 giờ, bắt đầu từ ngày 18/6, hết hạn vào lúc 6h giờ địa phương (11h giờ Việt Nam).
Đây là thỏa thuận ngừng bắn mới nhất trong số các thỏa thuận ngừng bắn đạt được dưới sự trung gian của Mỹ và Saudi Arabia. Trong các lệnh ngừng bắn trước đó, hai bên đã nhiều lần cáo buộc lẫn nhau vi phạm./.