Trẻ em tại một trại tị nạn tại Dana, tỉnh Idlib, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 13/7, Chính phủ Syria đã đồng ý cho Liên hợp quốc sử dụng cửa khẩu biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục cung cấp viện trợ cho khu vực Tây Bắc Syria trong 6 tháng tới.
Trong bức thư gửi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 13/7, Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bassam Sabbagh nêu rõ Liên hợp quốc và các cơ quan của tổ chức này được chuyển hàng cứu trợ qua cửa khẩu Bab al-Hawa tới khu vực Tây Bắc Syria trong 6 tháng, bắt đầu từ ngày 13/7.
Ông Sabbagh nhấn mạnh hoạt động vận chuyển này "phải phối hợp đầy đủ với Chính phủ Syria."
Trong một tuyên bố chính thức, Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Barbara Woodward cho biết dưới sự ủy thác của Liên hợp quốc, viện trợ nhân đạo qua Bab al-Hawa sẽ được giám sát chặt chẽ để tránh các nguy cơ tuyến hành lang này bị lạm dụng cho mục đích khác.
Bà nhấn mạnh ưu tiên đảm bảo tiến độ viện trợ diễn ra nhanh chóng, hàng hóa được chuyển đến đúng người và hoạt động viện trợ trong tương lai ổn định.
Trước đó, ngày 11/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không đạt được nhất trí trong việc gia hạn thỏa thuận sử dụng hành lang nhân đạo chủ chốt ở Syria.
Thỏa thuận này do Liên hợp quốc làm trung gian nhằm cho phép vận chuyển hàng cứu trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ sang khu vực phe đối lập kiểm soát tại Syria. Thỏa thuận này đã hết hiệu lực vào ngày 10/7.
Do chính quyền Syria trước đó không ủng hộ hoạt động này, nên cần có sự ủy quyền của Hội đồng Bảo an để hoạt động cứu trợ tiếp tục được tiến hành.
Thỏa thuận trên có hiệu lực từ năm 2014 cho phép vận chuyển thực phẩm, nước uống và thuốc men đến khu vực Tây Bắc Syria không cần sự chấp thuận của Chính phủ Syria.
Viện trợ nhân đạo qua hành lang này đã đáp ứng 80% nhu cầu của người dân sinh sống tại các khu vực phe đối lập tại Syria kiểm soát.
Ban đầu, thỏa thuận cho phép sử dụng bốn cửa khẩu để đưa hàng viện trợ vào Tây Bắc Syria, song đã giảm xuống còn một cửa khẩu duy nhất là Bab al-Hawa.
Cơ chế viện trợ này được gia hạn 6 tháng một lần. Chính phủ Syria cho rằng việc viện trợ nhân đạo mà không có sự chấp thuận của nước này là hành vi vi phạm chủ quyền.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, ước tính có 4 triệu người tại Syria đang phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo sau nhiều năm quốc gia Trung Đông này chìm trong xung đột và bị động đất tàn phá.
Sau trận động đất vào tháng 2 vừa qua cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người dân Syria, Tổng thống Bashar al-Assad đã đồng ý mở thêm hai cửa khẩu đến giữa tháng 8.
Kể từ sau trận động đất, ước tính có hơn 3.700 xe chở hàng viện trợ đi qua các cửa khẩu trên, trong đó phần lớn qua cửa khẩu Bab al-Hawa./.