Suy thoái toàn cầu chỉ đang bị trì hoãn chứ không biến mất?

Mai Ly (TTXVN/Vietnam+)| 05/03/2023 06:00

Trong khi kinh tế Mỹ và châu Âu có thể khó tránh được cú sốc suy thoái thì yếu tố Trung Quốc có thể là tín hiệu “gây nhiễu” trong bức tranh toàn cảnh thế giới.

Suy thoai toan cau chi dang bi tri hoan chu khong bien mat? hinh anh 1Xe chở container di chuyển tại khu cảng ở Oakland, California (Mỹ) ngày 24/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hai số liệu mới công bố đang kể những câu chuyện hoàn toàn khác nhau về sức khỏe của nền kinh tế thế giới. Những chỉ báo ngắn hạn thì lạc quan song những tín hiệu dài hạn cho thấy kinh tế toàn cầu đang hướng đến một cuộc suy thoái.

Trong khi kinh tế Mỹ và châu Âu có thể khó tránh được cú sốc suy thoái thì yếu tố Trung Quốc có thể là tín hiệu “gây nhiễu” trong bức tranh toàn cảnh thế giới.

Các số liệu gần đây chỉ ra rằng, kinh tế châu Âu và Mỹ đang tăng tốc trở lại sau khi đứng bên bờ vực suy thoái kinh tế trong năm ngoái. Với việc tránh được kịch bản “hạ cánh cứng,” các nền kinh tế trên đang hướng tới một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mới dựa vào tăng trưởng việc làm cùng với những hậu quả lạm phát đi kèm.

Quan điểm này nhanh chóng trở nên phổ biến và khiến thị trường trái phiếu toàn cầu trị giá 130.000 tỷ USD “dậy sóng.” Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn hai năm đã tăng vọt 80 điểm cơ bản kể từ đầu tháng 2/2023 - mức cao nhất kể từ giữa năm 2007 ngay trước khi hệ thống tài chính quốc tế sụp đổ.

Trong khi đó, những thước đo truyền thống đang cho thấy triển vọng ảm đạm hơn. Chỉ số kinh tế tổng hợp của về Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thu thập đã giảm trong 17 tháng liên tiếp và vẫn chưa cho thấy xu hướng ổn định.

Chỉ số này - dự đoán nền kinh tế thực trong 6-9 tháng tới - ở mức thấp suy thoái mới là 98,4 (điểm) vào tháng 1/2023. Chỉ số kinh tế tổng hợp cho Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thậm chí còn thấp hơn ở mức 98,1 (điểm) và thấp hơn bất kỳ thời điểm nào trước hoặc trong cuộc suy thoái bắt nguồn từ bong bóng công nghệ (dotcom) vào đầu những năm 2000.

Lakshman Achuthan, nhà kinh tế thuộc Viện nghiên cứu chu kỳ kinh tế (ECRI, Mỹ), cho biết các nền kinh tế lớn đang bước vào chu kỳ suy giảm, và đó là điều chưa từng thấy kể từ cuộc Đại Suy thoái.

Công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics cho biết, bộ phận giám sát thương mại toàn cầu của họ vẫn chưa phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy thương mại toàn cầu đã tạo đáy. Quý 4 năm 2022 chứng kiến một trong những giai đoạn sụt giảm lớn nhất trong thương mại hàng hóa thế giới kể từ những năm 1980, và các chỉ số hàng đầu cho thấy xu hướng giảm còn tiếp diễn.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ và thu hẹp cung tiền. Trong khi đó, tỷ lệ nợ công và nợ tư nhân đã tăng vọt lên lần lượt là 292% GDP ở các nền kinh tế giàu có (theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF) và 247% GDP trên toàn cầu.

Mức nợ tư nhân hiện nay cao hơn 50 điểm phần trăm so với bong bóng nợ trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng năm 2008 bắt đầu với việc ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Mỹ Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản vào ngày 15/9/2008.

Tình trạng hiện nay vẫn chưa dẫn đến các vụ vỡ nợ tín dụng nghiêm trọng ở phương Tây, song một loạt quốc gia đang phát triển như Ai Cập, Pakistan, Tunisia, El Salvador, Liban, Sri Lanka và Ghana đang gặp nhiều khó khăn.

Các công ty kéo dài thời gian đáo hạn nợ khi tiền còn rẻ, tạo cho họ một bộ đệm tài chính. Tuy nhiên, những tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn chưa phản ánh hết và đã có những dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng tín dụng có thể xuất hiện ở châu Âu.

Suy thoai toan cau chi dang bi tri hoan chu khong bien mat? hinh anh 2Yếu tố Trung Quốc có thể là tín hiệu “gây nhiễu” trong bức tranh toàn cảnh kinh tế thế giới. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global cho biết các công ty Mỹ có hồ sơ tín dụng yếu hơn so với trước cuộc khủng hoảng Lehman, và áp lực tái cấp vốn đang gia tăng.

Chỉ số giá nhà quốc gia Case-Shiller đã đạt đỉnh vào tháng 6/2022 và kể từ đó đã giảm 4,4%. Một nghiên cứu mới của chi nhánh Fed tại Dallas dự báo giá nhà có thể giảm 20% ở Mỹ, với mức giảm tương đương ở Đức và cảnh báo nguy cơ gây ra “hiệu ứng domino” đối với nền kinh tế vĩ mô trên toàn cầu.

Một thước đo đáng chú ý khác là đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hiện đang đảo ngược. Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm so với trái phiếu kỳ hạn hai năm đã đảo ngược từ 9 tháng trước và hiện giảm xuống mức âm 88 - mức thấp nhất trong gần 50 năm trở lại. Các cuộc suy thoái thường xảy ra sau một năm hoặc lâu hơn sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ bắt đầu đảo ngược.

Một câu hỏi đặt ra là, liệu các phương pháp tính toán truyền thống có “vô dụng” trong một nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19 và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu?

Nhiều nhà quan sát tin rằng, các chỉ báo và mô hình trong quá khứ dường như đã “lỗi thời” trong nền kinh tế kỹ thuật số hiện đại, tuy nhiên, có những lý do cho thấy nguy cơ suy thoái chưa hoàn toàn biến mất.

Chuyên gia Matt King của ngân hàng Citigroup nhận định, các ngân hàng trung ương đã bổ sung 1.000 tỷ USD thanh khoản ngắn hạn trong ba tháng qua, và về cơ bản họ đang thực hiện nới lỏng định lượng (QE) ngay cả khi họ nói rằng họ đang thắt chặt chính sách tiền tệ. Thực tế vẽ ra một bức tranh kinh tế tiêu cực và bấp bênh.

Một khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất cao hơn, lạm phát chắc chắn sẽ được kiểm soát nhưng nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái sâu cũng cận kề./.

Mai Ly (TTXVN/Vietnam+)

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/suy-thoai-toan-cau-chi-dang-bi-tri-hoan-chu-khong-bien-mat/849371.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/suy-thoai-toan-cau-chi-dang-bi-tri-hoan-chu-khong-bien-mat/849371.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Suy thoái toàn cầu chỉ đang bị trì hoãn chứ không biến mất?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO