Hãng tin AFP dẫn lời các nhân chứng cho biết, ngày 11/6, các cuộc không kích và pháo kích tiếp tục rung chuyển thủ đô Khartoum của Sudan ngay sau khi lệnh ngừng bắn giữa quân đội với nhóm bán quân sự Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) hết hiệu lực.
Trước đó, hai bên tham chiến đã nhất trí ngừng bắn trong 24 giờ, tạo điều kiện cho người dân mắc kẹt do giao tranh có thể ra ngoài để mua nhu yếu phẩm trong ngày 10/6.
Tuy nhiên, các nhân chứng cho biết chỉ khoảng 10 phút sau khi lệnh ngừng bắn hết hiệu lực vào 6h00 sáng 11/6, thủ đô Khartoum lại chìm trong các cuộc pháo kích và đụng độ.
Theo lời các nhân chứng, giao tranh tiếp diễn tại cả Khartoum và thành phố Omdurman ở phía Bắc, cũng như phố Al-Hawa, một tuyến phố huyết mạch ở phía Nam thủ đô.
Trước đó, các bên trung gian hòa giải Mỹ và Saudi Arabia cảnh báo nếu các phe tham chiến không tuân thủ lệnh ngừng bắn 24 giờ thì họ có thể buộc phải cân nhắc hoãn các cuộc đàm phán tại thành phố Jeddah vốn bị đình trệ từ cuối tháng trước.
Ngày 9/6, Saudi Arabia và Mỹ thông báo các phe đối địch ở Sudan đã nhất trí thực hiện một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc trong vòng 24 giờ.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia nêu rõ các đại diện của Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và RSF bán quân sự đối địch ở Sudan đã đồng ý ngừng bắn trên toàn quốc trong 24 giờ, bắt đầu từ 6h ngày 10/6 (giờ địa phương, tức 11h cùng ngày giờ Việt Nam).
Các bên nhất trí không tiến hành các vụ không kích, tấn công bằng pháo binh và tiếp tế cho các lực lượng trong thời gian lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
Sau lệnh ngừng bắn có hiệu lực, cư dân thủ đô Khartoum của Sudan cho biết giao tranh tại đây đã tạm lắng trong ngày 10/6.
Một cư dân thành phố Omdurman ngay bờ bên kia sông Nile chia sẻ tình hình bên Khartoum "hoàn toàn yên tĩnh."
Theo hãng tin AFP, các cuộc không kích và pháo kích làm rung chuyển Khartoum đã tạm lắng, ít nhất là trong ngày 10/6, cho phép người dân còn mắc kẹt tại đây có thể ra ngoài để mua nhu yếu phẩm.
Tại một khu chợ ở Khartoum, người dân khẩn trương mua trái cây và những hàng hóa cơ bản khác.
Trong khi đó, nhân viên xe buýt Ali Issa cho biết nhiều người đang tận dụng thời điểm này để rời khỏi thủ đô trước khi lệnh ngừng bắn mới nhất hết hiệu lực.
Giao tranh nổ ra ở Sudan kể từ giữa tháng 4 vừa qua, khi chỉ huy quân đội - Tướng Abdel Fattah al-Burhan và cựu cấp phó của ông là Tướng Mohamed Hamdan Daglo - chỉ huy RSF, quay lưng lại với nhau. Từ đó đến nay, nhiều thỏa thuận ngừng bắn đã được thống nhất, song cũng sớm bị phá vỡ.
Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cả hai nhân vật trên sau khi thỏa thuận ngừng bắn gần đây nhất đổ vỡ vào cuối tháng 5 vừa qua.
Theo thống kê của tổ chức phi lợi nhuận Armed Conflict Location and Event Data Project, kể từ khi bùng phát giao tranh đến nay, khoảng 1.800 người đã thiệt mạng. Trong khi đó, Liên hợp quốc cho biết gần 2 triệu người phải sơ tán, trong đó 476.000 người tìm nơi nương náu tại các quốc gia láng giềng./.