Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 6/6, kênh truyền hình Arab Al Arabiya TV có trụ sở tại Saudi Arabia đưa tin các phe phái đang tham chiến tại Sudan bắt đầu nối lại các cuộc đàm phán ngừng bắn do Saudi Arabia và Mỹ bảo trợ trong bối cảnh các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn cả ở trên không và trên bộ ở thủ đô Khartoum của nước này.
Kênh truyền hình này cho biết các bên tham chiến tại Sudan đã đồng ý đàm phán gián tiếp, song không cung cấp thông tin chi tiết. Trong khi đó, quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự đối địch hiện vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
Trước đó cùng ngày, lãnh đạo quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan, trong đó hai bên đã thảo luận về những nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn tại Sudan.
Theo tuyên bố của Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan, trong cuộc điện đàm, Tướng Burhan đã nhấn mạnh yêu cầu đối với RSF phải cam kết rút các tay súng khỏi các bệnh viện, trung tâm dịch vụ và các tòa nhà dân sự, cũng như sơ tán những người đang bị thương và mở các lối đi để vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo nhằm mở ra các cơ hội cho các cuộc đàm phán mang tính “nền tảng tại thành phố Jeddah” của Saudi Arabia.
Các cuộc đàm phán về gia hạn lệnh ngừng bắn đã tạm dừng từ tuần trước sau khi Quân đội Sudan ngày 31/5 thông báo rút khỏi các cuộc đàm phán ở Jeddah.
Sau đó một ngày, các nhà trung gian đàm phán của Mỹ và Saudi Arabia thông báo chính thức tạm dừng quá trình này, trong đó Washington cho biết sẵn sàng nối lại đàm phán khi các bên thể hiện sự “nghiêm túc.”
Ngày 1/6 vừa qua, Mỹ thông báo các biện pháp trừng phạt các bên giao tranh tại Sudan.
Trong khi đó, các cuộc đụng độ giữa hai bên vẫn tiếp diễn tại thủ đô Khartoum. Nhiều người dân ở các khu vực phía Nam, Đông và Bắc của thủ đô Sudan đã nghe thấy những tiếng đạn pháo và tiếng nổ sau các cuộc không kích diễn ra suốt đêm.
Giao tranh kéo dài suốt 7 tuần qua đã khiến hơn 1.800 người thiệt mạng, khoảng 1,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đến vùng khác lánh nạn, trong khi 400.000 người phải sơ tán sang các nước láng giềng.
Theo Liên hợp quốc, khoảng 25 triệu người (hơn 50% dân số Sudan) cần được cứu trợ và bảo vệ./.