Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 28/10, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tổ 8 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Tp. Cần Thơ.
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu nhất trí cao với các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn về sự cần thiết xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Việc sửa đổi, bổ sung Luật trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung vướng mắc, bất cập.
Các đại biểu cũng cho rằng, nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan, những dự án Luật đang được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi.
Đề nghị cũng cần sớm sửa đổi Điều 25 Luật Công an nhân dân về thẩm quyền quyết định vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Trần Thị Thu Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum thống nhất với đề xuất của Ban soạn thảo sửa đổi theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đại biểu phân tích, thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức QĐNDVN giai đoạn 2021- 2030 và những năm tiếp theo, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã và đang chủ động, quyết tâm, triển khai điều chỉnh, sắp xếp các tổ chức, đơn vị, xây dựng QĐND, từ đó, dẫn đến những thay đổi lớn về tổ chức (mở rộng quy mô, điều chỉnh biên chế), chức năng, nhiệm vụ.
Do đó, việc sửa đổi này là phù hợp nhằm tăng cường sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức, sắp xếp bộ máy của lực lượng Quân đội nhân dân; bảo đảm sự thống nhất với thẩm quyền của Chính phủ trong “thực hiện quản lý về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước” (khoản 5 Điều 95 Hiến pháp năm 2013) và “Thống nhất quản lý nhà nước về quốc phòng” (khoản 1 Điều 18 Luật Tổ chức Chính phủ).
Tuy nhiên, nhằm bảo đảm thực hiện nhất quán, đồng bộ, thống nhất trong lực lượng vũ trang nhân dân, đại biểu đề nghị cũng cần sớm sửa đổi Điều 25 Luật Công an nhân dân về thẩm quyền quyết định vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ trong Công an nhân dân.
Thống nhất việc điều chỉnh tăng từ 11 nhóm lên 17 nhóm chức vụ của sĩ quan; bổ sung cấp phó
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long quan tâm đến nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 11 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam về chức vụ cơ bản và chức vụ chức danh tương đương của sỹ quan.
Theo đó, đại biểu cơ bản thống nhất việc đề xuất của cơ quan chủ trì soạn thảo về việc điều chỉnh tăng từ 11 nhóm lên 17 nhóm chức vụ của sĩ quan; bổ sung cấp phó: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó tổng tham mưu trưởng, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị và các chức vụ là cấp phó của cấp trưởng đến Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó Đại đội, đề xuất này đảm bảo cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn.
Bởi lẽ, về thực tế cơ cấu tổ chức, biên chế trong Quân đội có tính đặc thù riêng, chức danh, chức vụ gắn với quân hàm, có nhiều thành phần, lực lượng, có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ; có lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên; có lực lượng binh chủng hợp thành, các quân, binh chủng, được tổ chức theo hệ thống từ cấp chiến lược đến cấp chiến dịch, cấp chiến thuật, có đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; có đơn vị phục vụ bảo đảm.
Nhưng hiện nay, luật hiện hành chưa có những quy định cụ thể nên đã phát sinh nhiều bất cập như: một số chức danh, chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý cấp dưới bằng cấp trên; chưa phân định rõ cấp trên, cấp dưới; phụ cấp chức vụ của một số chức vụ cấp trên bằng cấp dưới - không thể hiện được trách nhiệm cao hơn của cấp trên; cùng chức vụ tương đương nhưng trần quân hàm khác nhau; một số tổ chức có cùng quy mô, cùng cấp độ, tính chất nhiệm vụ nhưng chức danh, chức vụ tương đương và trần quân hàm không thống nhất, việc quy định phụ cấp chức vụ cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật (như: Nghị định số 107/2015/NĐ-CP ngày 24/10/2015 của Chính phủ quy định chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan QĐND Việt Nam, Thông tư số 160/2017/TT- BQP ngày 04/7/2017 của Bộ trưởng BQP quy định chức vụ, chức danh tương đương và chức vụ, chức danh có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tá, cấp úy của sĩ quan QĐND Việt Nam... ) để có thể khắc phục triệt để những vướng mắc, bất cập nêu trên, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với hệ thống pháp luật và tính chất, nhiệm vụ của Quân đội “là ngành lao động đặc biệt”.
Ngoài ra, đối với quy định về quyền lợi của sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ tại Điều 37, các ý kiến đại biểu cho biết, dự thảo Luật đề xuất bổ sung 01 điểm (điểm e) vào khoản 1 Điều 37 quy định quyền lợi được hưởng của sĩ quan nghỉ hưu, như sau: “e) Được hưởng chế độ an điều dưỡng, chăm sóc khi mắc bệnh hiểm nghèo, chế độ thông tin, hỗ trợ tang lễ khi từ trần theo quy định của Chính phủ."
Theo các đại biểu, đây là chính sách an sinh có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là một bộ phận quan trọng trong chính sách hậu phương Quân đội và là chế độ, chính sách mang tính đặc thù, dành riêng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đã nghỉ hưu. Quy định như dự thảo Luật là cần thiết để thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng và thống nhất với quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ, nhất là đội ngũ sĩ quan nghỉ hưu.