Cho phép rút 50% bảo hiểm xã hội một lần giúp người dân vượt qua được khó khăn trước mắt
Trao đổi về đề xuất cho phép rút 50% bảo hiểm xã hội một lần giúp người dân vượt qua được khó khăn trước mắt, đảm bảo an sinh khi về hưu nhưng cần thời gian để người dân đồng thuận, TS. Bùi Sỹ Lợi bày tỏnhất trí với quan điểm này, với lý do người lao động chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa, giá trị của bảo hiểm xã hội.
Theo ông, bảo hiểm xã hội là trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội nhằm bảo đảm cuộc sống cho người dân khi về già, dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp, nên rất cần thời gian để người dân đồng thuận và tự nguyện thực hiện vì lợi ích của chính mình.
Nếu người lao động quá khó khăn thì xin nhận một phần tối đa bằng 50% quỹ bảo hiểm xã hội được tích lũy trong thời gian đã tham gia, phần còn lại để dành khi về già.
Trong thời gian còn lại chờ đến tuổi nghỉ hưu, người lao động có thể tiếp tục tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội để có mức lương hưu hoặc trợ cấp hưu trí xã hội cao hơn, bảo đảm cuộc sống.
Do đó, cần phải tuyên truyền, giải thích để người lao động nhận thức đúng chính sách. Vấn đề cần lưu ý cho người lao động hiểu rõ về thiệt hại, đó là đóng thì nhiều, lấy ra thì ít, một năm đóng 2,64 tháng, nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần chỉ được tối đa 2 tháng, mất 0,64 tháng. Phải để mọi người có thời gian tính toán đâu là lợi ích tốt nhất để tự nguyện thực hiện.
Rút bảo hiểm xã hội một lần: Lợi ít, thiệt hại lâu dài
TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, với việc rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động có thể nhận được một số tiền lớn để sử dụng cho nhu cầu chi tiêu cấp thiết, giải quyết được khó khăn trước mắt mà không cần phải vay mượn và lo lắng. Tuy nhiên, về tổng thể, rút bảo hiểm xã hội một lần, lợi thì ít mà thiệt hại thì lâu dài.
Thứ nhất, không được đảm bảo nguồn thu nhập hằng tháng khi về già, phải phụ thuộc vào con cháu, mất đi tự do, sự tự tin và sự an nhàn của cuộc sống nghỉ hưu.
Thứ hai, số tiền khi rút bảo hiểm xã hội một lần thực tế sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Thứ ba, không được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, không được hưởng chế độ miễn 100% tiền khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến.
Thứ tư, khi tử vong thì gia đình không được nhận tiền trợ cấp mai táng và trợ cấp hằng tháng.
Cuối cùng, nếu chọn rút bảo hiểm xã hội một lần mà sau này nếu đi làm lại và có đóng bảo hiểm xã hội thì khoảng thời gian đóng trước đó không được tính do đã hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần rồi.
Bảo hiểm xã hội là "của để dành" quý giá của người lao động
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi: Tiền của người lao động đóng góp được tích lũy và quản lý tập trung ở cấp quốc gia. Nguồn quỹ bảo hiểm xã hội kết dư được đem đi đầu tư, tăng trưởng và tiền đó của người lao động vẫn tiếp tục tăng lên, trừ đi phần chi phí quản lý thôi. Khoản tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là "của để dành" quý giá của người lao động.
Nếu không nhận một lần thì người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Trong thời gian bảo lưu, nếu chẳng may qua đời thì gia đình được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất theo quy định bằng hoặc lớn hơn mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Theo tính toán, nếu cùng một thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hằng tháng sẽ cao hơn nhiều khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Nếu người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, đương nhiên họ sẽ ra khỏi hệ thống an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, nhà nước không giữ được lưới an sinh cho toàn dân, đồng nghĩa với người dân không còn được hưởng các chế độ chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước như lương hưu hay bảo hiểm y tế, chế độ tử tuất.
Quan trọng hơn là không thực hiện được quan điểm bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương.
Phấn đấu đến năm 2045 toàn bộ người sau độ tuổi lao động được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội và trợ cấp hưu trí xã hội
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội là để mở rộng và gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn nhằm thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp.
Đồng thời, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cũng nhằm thể chế quan điểm mục tiêu của Đảng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng đa tầng, linh hoạt, hiện đại, hội nhập, tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động, từng bước tiến tới bảo hiểm xã hội bắt buộc toàn dân.
Quan điểm của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW là phải bảo đảm cân bằng lợi ích của người dân và Nhà nước với vai trò Nhà nước bảo hộ quỹ bảo hiểm xã hội và hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có giải pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ.
Phấn đấu đến năm 2030, 60% lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội và đến năm 2045 toàn bộ người sau độ tuổi lao động được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội và trợ cấp hưu trí xã hội.
Cần có chính sách hỗ trợ người lao động giải quyết khó khăn trước mắt để giữ được lưới an sinh
Để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, trước hết, Nhà nước cần phải nỗ lực hơn để người lao động hiểu ý nghĩa, giá trị của bảo hiểm xã hội và có chính sách hỗ trợ, giải quyết những khó khăn trước mắt cho họ để giữ được lưới an sinh. Nếu không, cả xã hội sẽ phải cùng nhau trả giá như bài học từ Quyết định 176-HĐBT về thôi việc một lần.
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, thực tế, rút một phần quỹ bảo hiểm xã hội một lần, có thể vẫn không đủ nguồn lực để trang trải cuộc sống và tạo mở việc làm của gia đình người lao động. Do đó, rất cần những gói vay ưu đãi để hỗ trợ thêm cho họ.
Đồng thời, cần có chính sách tạo "sinh kế" giải quyết việc làm bền vững, hoặc hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sán xuất, chuyển đổi ngành. Hỗ trợ đào tạo lại nghề cho người lao động qua quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm.
Nhà nước cũng cần có chính sách đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, thông qua vay vốn ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý; khuyến khích và có chính sách hỗ trợ vốn, đất đai, tìm kiếm thị trường cho các hợp tác xã, hộ gia đình trung lưu để thu hút người lao động làm việc, tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống, và trở lại tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội.