Chính trị

Sửa đổi Hiến pháp 2013: Khẳng định rõ vai trò, vị trí của mặt trận

PV 23/05/2025 10:00

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 đang được Quốc hội xem xét, trong đó, nội dung liên quan đến tổ chức và vai trò của MTTQ Việt Nam được xem là bước điều chỉnh quan trọng nhằm nâng cao vị thế, chức năng giám sát, phản biện của mặt trận trong hệ thống chính trị.

Mặt trận là bộ phận của hệ thống chính trị

Theo Điều 9 của Hiến pháp năm 2013, MTTQ Việt Nam được xác định là “cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại Nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mới với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đòi hỏi vị trí, vai trò, chức năng của MTTQ Việt Nam cần được làm rõ hơn nhằm đáp ứng thực tiễn và kỳ vọng của Nhân dân.

mttq.jpg
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông lồng ghép tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích và vận động các tầng lớp Nhân dân, các chức sắc, chức việc tôn giáo tham gia góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013

Theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo sửa đổi Điều 9, Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới quan trọng. Dự thảo khẳng định, MTTQ Việt Nam là “bộ phận của hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”, đồng thời tiếp tục là “cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân”.

Đáng chú ý, mặt trận được hiến định rõ hơn vai trò là chủ thể thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan Nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hoạt động đối ngoại Nhân dân.

dhmt4.jpg
Một trong những nội dung trọng tâm của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 là về chức năng, hoạt động của tổ chức MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội

Bà Hà Thị Hạnh, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông nhận định: “Việc sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp năm 2013 không chỉ là điều chỉnh về mặt kỹ thuật mà còn là bước tiến lớn để thể chế hóa, khẳng định vai trò của MTTQ Việt Nam trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

Bà Hạnh đặc biệt nhấn mạnh việc bổ sung cụm từ “bộ phận của hệ thống chính trị” mang ý nghĩa khẳng định rõ vị trí chính trị, pháp lý của mặt trận trong mối quan hệ phối hợp, gắn bó với Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội khác. Việc này góp phần nâng cao tính chủ động, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của mặt trận trong thực hiện các nhiệm vụ giám sát, phản biện, đại diện và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.

Phát huy vai trò trung tâm trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Theo ông Hoàng Văn Tám, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Cư Jút, việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 là phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân và xu hướng tinh gọn tổ chức bộ máy. Các nội dung trong dự thảo đã thể hiện rõ vai trò của mặt trận là bộ phận của hệ thống chính trị, góp phần xây dựng một hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân hơn.

“Việc cụ thể hóa các nội dung như đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thể hiện và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; giám sát, phản biện xã hội… là những thay đổi rất cần thiết, giúp mặt trận thực sự là cầu nối giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước; đồng thời là chủ thể tham gia mạnh mẽ trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách”, ông Tám cho hay.

tx1.jpg
Cán bộ MTTQ huyện Đắk Song luôn sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để phản ánh lên cấp cấp ủy, chính quyền

Một điểm mới đáng chú ý trong dự thảo nữa là quy định các tổ chức chính trị - xã hội như Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh hoạt động thống nhất dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, quy định này tạo cơ sở pháp lý để tổ chức lại hệ thống mặt trận và các tổ chức thành viên theo hướng giảm chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ; đồng thời đồng bộ hơn với cơ cấu tổ chức của Đảng. Mặt trận sẽ giữ vai trò trung tâm điều phối, lãnh đạo, gắn kết các tổ chức thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo ông Nguyễn Kim Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cư Jút: “Định hướng sắp tới sẽ tổ chức lại hệ thống mặt trận và các tổ chức thành viên theo mô hình “liên minh chính trị - xã hội”, từ đó, bảo đảm hoạt động hiệu quả, gần dân hơn, phục vụ Nhân dân tốt hơn. Đây cũng chính là cơ sở để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của mặt trận trong hệ thống chính trị”.

Điểm mới mang tính đột phá trong dự thảo là việc mở rộng quyền trình dự án luật, pháp lệnh cho các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có MTTQ Việt Nam. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên các tổ chức có vị trí hiến định được quyền tham gia trực tiếp vào quá trình lập pháp.

Quy định này thể hiện bước tiến lớn trong tư duy lập pháp, tạo điều kiện để mặt trận thực hiện đầy đủ hơn vai trò là tiếng nói phản ánh nguyện vọng, lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Mặt trận không chỉ giám sát hay phản biện mà còn có thể đề xuất các chính sách thiết thực, phù hợp với thực tiễn.

Bà Hà Thị Hạnh, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông

“Quy định này thể hiện bước tiến lớn trong tư duy lập pháp, tạo điều kiện để mặt trận thực hiện đầy đủ hơn vai trò là tiếng nói phản ánh nguyện vọng, lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Mặt trận không chỉ giám sát hay phản biện mà còn có thể đề xuất các chính sách thiết thực, phù hợp với thực tiễn”, bà Hà Thị Hạnh nhận định.

Ngoài ra, việc mở rộng quyền trình dự án luật cũng góp phần tăng cường tính dân chủ đại diện, tạo sự phản hồi hai chiều trong quá trình xây dựng pháp luật, bảo đảm pháp luật thực sự phản ánh đời sống và yêu cầu của người dân.

dhmt.jpg
Không chỉ giữ vai trò “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, mặt trận còn được xác định là trung tâm liên minh chính trị - xã hội, chủ thể thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân

Trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang tiến hành sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, việc sửa đổi Hiến pháp sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội nâng tầm vai trò, thích ứng với yêu cầu đổi mới. Không chỉ giữ vai trò “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, mặt trận còn được xác định là trung tâm liên minh chính trị - xã hội, chủ thể thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh: “Cải cách hệ thống chính trị là yêu cầu tất yếu của thời đại. MTTQ Việt Nam phải là lực lượng tiên phong trong quá trình này, là người bạn tin cậy, là tiếng nói trung thực của Nhân dân”.

Việc mở rộng các chức năng như phản ánh kiến nghị, tham gia trực tiếp vào xây dựng pháp luật, điều phối tổ chức thành viên... cho thấy mặt trận đang chuyển mình mạnh mẽ để xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Những điểm mới trong đự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là Điều 9 về MTTQ Việt Nam sẽ tạo ra hành lang pháp lý quan trọng giúp tổ chức này phát huy vai trò trung tâm trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là bước phát triển về nhận thức chính trị, pháp lý và tổ chức đối với mặt trận – lực lượng nòng cốt trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ mới.

    Nổi bật

        Mới nhất
        Sửa đổi Hiến pháp 2013: Khẳng định rõ vai trò, vị trí của mặt trận
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO