Lực lượng Cảnh vệ diễn tập bảo vệ yếu nhân. |
Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Luật Cảnh vệ được ban hành đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo đảm xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại; đồng thời, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tổ chức, hoạt động của lực lượng Cảnh vệ, tạo thuận lợi cho mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng, góp phần bảo vệ an toàn tuyệt đối đối tượng cảnh vệ.
Việc ban hành Luật Cảnh vệ là một bước quan trọng trong quá trình tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan như: Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Quốc phòng, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản... và phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan đến công tác cảnh vệ.
Luật Cảnh vệ là cơ sở pháp lý quan trọng quy định về tổ chức, hoạt động của lực lượng Cảnh vệ và trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành trong thực hiện công tác cảnh vệ, đồng thời giúp cho việc trang bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật của lực lượng Cảnh vệ được quan tâm đầu tư, nâng cấp hiện đại, đồng bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hợp tác quốc tế về lĩnh vực công tác cảnh vệ được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi trong phối hợp triển khai bảo vệ đối tượng cảnh vệ cả trong và ngoài nước.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.
Cùng với đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 05 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về cảnh vệ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Về nội dung, dự thảo Luật quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng; sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng. Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ theo hướng quy định: "Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức có đối tượng cảnh vệ quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 điều này tham dự; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này tham dự" (có đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo chủ chốt: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và khách quốc tế có chức vụ tương đương) thì được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng.
Dự thảo Luật cũng bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, cụ thể bổ sung nội dung "Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều này".
Toàn văn dự thảo Luật được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.