Đất và người Đắk Nông

Sự tích thác cùi

Trích Tập truyện cổ M’nông “Làm giàu từ nhỏ” 15/05/2023 10:02

Sự tích giải thích nguồn gốc tên gọi trước đây của thác Diệu Thanh là Leng Dũn (thác Cùi) và bon Phũng (bon Cùi). Truyện còn cho thấy hậu quả của tập quán cưới vợ cưới chồng trong cùng họ hàng (hôn nhân cận huyết) là con cái dễ mắc các dị dạng, dị tật bẩm sinh, bệnh lý di truyền và nòi giống bị suy thoái...

thac-dieu-thanh.jpg
Thác Diệu Thanh. Ảnh tư liệu

Ở một bon gần một con sông có một cái thác rất đẹp, nước trong đến nỗi đứng trên bờ nhìn xuống có thể đếm được từng hòn đá, nhìn thấy cá bơi. Tiếng thác chảy quanh năm rì rầm, làm vui nhộn cho bon làng.

Có một chàng trai nhà ở đầu bon và một cô gái nhà ở cuối bon, chàng trai là con cậu ruột của cô gái.

Theo tập quán người M’nông, họ lấy nhau là tốt, hai bên gia đình đỡ phải tốn trâu bò và các vật lễ cưới, đỡ phải đi cưới trai gái làng xa. Hai bên gia đình đã bàn chuyện hạnh phúc cho hai người.

Một hôm, hai gia đình họp mặt lại gọi cả hai người tới. Họ làm một con gà, cột một ché rượu cần mời dòng họ cùng chứng kiến lễ hỏi. Người cha của chàng trai nắm tay con trai mình trước ché rượu và nói:

- Con ạ! Con đã lớn rồi, con đã biết phát rẫy làm nương, con đã biết đan gùi, đan rổ. Con phải lấy vợ để cho cha mẹ sớm có cháu bế, cháu bồng và người nối dòng nối dõi. Bây giờ, cha mẹ không muốn con lấy vợ bon xa, cha muốn con lấy người cùng bon mẹ cho đỡ vật lễ vì nhà mình đang nghèo khó. Con phải nghe lời cha mẹ, nếu con không chịu theo ý cha mẹ thì cha mẹ sẽ ra rừng tìm lá ngón ăn mà chết.

Chàng trai tuổi đã lớn nhưng chưa muốn nghĩ đến chuyện vợ con. Nghe cha mẹ nói vậy, chàng rất lo âu và sợ hãi nên đồng ý theo lời cha mẹ.

Cô gái cũng đã lớn nhưng chưa biết thêu dệt nên cũng chưa muốn bắt chồng. Do cha mẹ cô gái cũng có lời lẽ khuyên bảo nên cô cũng đành đồng ý như chàng trai.

Một tuần sau, họ làm lễ cưới rất đơn sơ, chỉ trao nhau cái còng bằng đồng, uống chung một cần rượu ché nhỏ, làm một con heo nhỏ. Họ sống với nhau thiếu tình cảm, thiếu yêu thương bởi vì vợ chồng do cha mẹ gả ép. Họ không nói chuyện thân mật, không ăn cơm chung, không ngủ chung, có ngủ cùng một sạp thì quay lưng với nhau, mỗi người đắp chăn riêng, lên nương rẫy thì vợ trước chồng sau. Vì thế, họ lấy nhau đã ba năm rồi mà vẫn chưa có con.

Cha mẹ hai bên gia đình quanh năm suốt tháng chờ đợi, mong mỏi để có cháu bế cháu bồng. Hai bà mẹ bàn nhau tìm kế.

Một hôm, hai bà mẹ cắt trộm tóc con gái và con trai mình gói trong lá chuối khô đem đến cho thầy bói trong bon xem giùm.

Thầy bói xem xong và phán:

- Không có trời hành đất phạt gì cả. Không có quỷ tha ma ám gì cả, chỉ vì hai đứa không ăn chung, ngủ chung mà thôi. Bây giờ nếu hai bà muốn có cháu bế thì có cách này. Hai bà phải đi qua bảy dãy núi, tới núi thứ bảy, dưới chân núi có một giếng nước to bằng cái nia phơi lúa, hai bà lấy nước đó về. Mỗi bà phải mang về bảy trái bầu, sau đó cho vợ chồng nó uống, lấy nước đó cho vợ chồng nấu cơm canh thì bảy ngày sau chúng sẽ có con.

Nghe nói vậy, hai bà mẹ mừng rỡ, cảm ơn thầy bói và vội vã về nhà chuẩn bị gùi và bầu lên núi. Theo lời thầy bói dặn, hai bà mẹ đi tới chân núi thứ bảy thì thấy có một cái giếng to bằng cái nia, nước giếng trong veo, hai bà múc từng gáo đổ vào trái bầu bỏ trong gùi rồi ra về.

Về đến nhà, họ thực hiện theo lời thầy bói dặn, nhưng không nói gì cho vợ chồng trẻ biết. Đúng ba tuần sau, người vợ có mang. Người vợ rất băn khoăn, lo âu, ăn không ngon, ngủ không yên, suốt ngày đêm suy nghĩ rằng: "Mình không ăn ngủ với chồng bao giờ, tại sao mình lại có mang"? Ngày tháng trôi qua, cái thai trong bụng người vợ càng to, nó to từng ngày, to không bình thường, nó to hơn cái trống. Người vợ càng ngày càng sợ hãi, đi một bước cũng không nổi. Người vợ tức quá suốt ngày rên rỉ la hét.

Chín tháng mười ngày chưa tới, bỗng một hôm, vào lúc nửa đêm, người vợ trở dạ đẻ ra chín đứa con mà không đứa nào trọn vẹn mặt mũi, chân tay. Đứa thì không có mắt, đứa không có miệng; đứa chân tay thì không có ngón, không có móng; đứa nào đứa nấy thân hình như người bị bỏng nước sôi. Thấy vậy người vợ sợ quá nên lăn ra chết.

Sáng hôm sau, lúc ông mặt trời mọc, bà mẹ và người chồng không nghe tiếng rên như mọi khi nên vội vã mở cửa buồng. Cả hai đều giật mình khi thấy một đống trẻ con quái thai. Bà mẹ vội chạy đến bên con gái, thấy con gái đã chết nên bà hét toáng lên gọi mọi người tới.

Dân làng lo chôn cất người vợ và chín con quái vật chung một nấm mộ bên cạnh thác gần bon. Chôn cát xong, hai gia đình đến nhà thầy bói để hỏi tội xúi bậy, nhưng thầy bói kia biết chuyện nên sợ quá đã trốn khỏi bon rồi nhảy xuống đầu thác tự vẫn.

Về sau, cả làng đó đều sinh con bị cụt ngón chân, ngón tay. Không ai sinh được đứa con lành mạnh, cả làng kinh hoàng, sợ hãi di dời chỗ khác. Thác đó gọi là Leng Dũn (thác Cùi). Bon của họ sau này gọi là bon Phũng (bon Cùi).

Giếng nước dưới chân núi kia là giếng nước của thần Cùi sống do bị trời đuổi xuống trần gian.

Thác Diệu Thanh hiện nay trên địa bàn Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông trước đây gọi là Leng Dũn (thác Cùi).

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Sự tích thác cùi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO