Cách thành phố Gia Nghĩa khoảng 60 km, nằm ngay trung tâm xã Đắk Som, bon B’Srê A có tổng số 158 hộ dân sinh sống, với hơn 660 nhân khẩu; trong đó có 104 hộ, 418 khẩu là người đồng bào dân tộc Mạ, còn lại là người Kinh và Mường. Đây là bon giữ vững danh hiệu văn hóa trong hơn 10 năm qua, trở thành bon văn hóa tiêu biểu của cả tỉnh và huyện. Nơi đây, đồng bào dân tộc Mạ còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, với nhiều câu chuyện mang màu sắc truyền thuyết. Trong đó có truyền thuyết về khu rừng thiêng (Dơng Kon Pàng), nơi được đồng bào cho là nơi ở của các vị thần đã che chở, bảo vệ dân làng và sự tích về suối Cọp…
Già làng K’Đời ở bon B’Srê A vẫn nhớ khá rõ về địa điểm suối Cọp. Theo già làng, nơi đây trước kia là một con suối, nước chảy tràn qua quốc lộ 28 bây giờ. Ngay sát đường, những con cọp thường xuyên ra uống nước ở nơi thấp nhất.
Trước đây, dân làng xem hổ là con vật linh thiêng, không ai dám đến gần, không ai dám săn bắt hổ. Thời đó, lính Pháp thường dùng súng để đi săn bắn thú rừng, kể cả hổ. Từ khi còn bé, già làng K’Đời đã nghe người già trong bon kể lại, quân Pháp săn bắn được 2 con hổ to nhất vùng. Sau đó, vì khiếp sợ, những con hổ khác đã bỏ chạy vào rừng sâu. Thỉnh thoảng mới có một vài con heo, gà, chó của người dân nuôi đến kiếm mồi và xuống suối uống nước.
Suối Cọp hiện vẫn là nguồn cung cấp nước tưới cho hàng trăm ha cây trồng |
Người Mạ rất sợ và tôn sùng con hổ, nên họ hầu như không dám săn bắt mà chỉ xua đuổi nếu hổ xuất hiện. Tuy nhiên, có một sự kiện mà khiến dân làng quyết định làm bẫy săn bắt hổ. Già làng K’Đời nhớ lại, lúc ông khoảng 10 tuổi, có một con hổ đi kiếm mồi vào sáng sớm đã nhìn thấy một người đàn ông tầm hơn 20 tuổi, tên là K’Hao. Do đói quá nên khi thấy K'Hao, con hổ này đã hung hãn vồ và ăn thịt.
Phẫn nộ trước việc hổ ăn thịt người trong bon, dân làng đã họp bàn và quyết định đi săn bắt để tiêu diệt con hổ này. Người dân đào hầm, đặt chông phía dưới, làm một cái chòi và đặt mồi nhử là một con chó đã chết. Sau một thời gian, khi con chó bắt đầu phân hủy, bốc ra mùi thì con hổ mon men tìm đến. Khi thấy con mồi, hổ bèn nhảy vào ăn thịt thì sập bẫy và bị dân làng tiêu diệt. Từ đó về sau, dân làng hầu như không ai gặp hay nghe nói về sự xuất hiện của hổ tại khu vực này.
Anh K’Bảy, dân tộc Mạ, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Som cho biết thêm, theo lời của những người già trong bon thì phía trên thượng nguồn con suối này, cách quốc lộ 28 chừng 1 km là địa điểm “tập kết” của đàn hổ. Ở đó, vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối, những con hổ thường đến để nằm nghỉ, đùa giỡn sau khi đã kiếm được con mồi và ăn no nê. Có thời điểm, xuất hiện trên 10 con hổ.
Khu vực suối Cọp bây giờ khá bằng phẳng, nguồn nước dồi dào, cung cấp nước tưới cho hàng trăm ha cà phê, hồ tiêu, chanh dây… Đồng bào các dân tộc trong xã, nhất là bon B’Srê A tích cực lao động sản xuất, giữ gìn văn hóa truyền thống; xây dựng cuộc sống ấm no.
Câu chuyện liên quan suối Cọp và những sự tích, truyền thuyết của người Mạ vẫn được dân làng nơi đây lưu truyền cho con cháu.