Di sản - Truyền thống

Sự tích núi Gà Rừng

A Trư (T.H) 15/06/2024 14:16

Nguời ta đặt tên núi Gà Rừng vì núi là ổ của gà rừng. Một dãy núi theo hướng Bắc - Nam. Nâm Nung, Nâm Jang rồi đến núi Gà Rừng. Núi Gà Rừng hiện thuộc xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song (Đắk Nông).

ADQuảng cáo

Ngày xưa ở trên núi Gà Rừng này là nơi loại gà rừng làm ổ, đẻ trứng, là nơi các loại chim đẻ trứng. Con nai, con lợn, con khỉ, chim công cũng tập trung làm ổ đẻ trứng, đẻ con.

Ngày xưa ở trên núi này có nhiều cây chuối, cây mía, cây dứa, cây chôm chôm, cây nhãn, có đầy ổ trứng chim, trứng gà rừng, nhưng người chỉ được ăn tại chỗ, không được mang về nhà. Người mang quả hoặc trứng chim về theo là không về bon được. Nếu người mang theo trái cây, trứng chim, trứng gà rừng là thần khiến cho đi lạc, làm cho người đó không biết hướng về bon. Nếu gặp trường hợp đi lạc, người đó phải trả lại trái cây, trứng chim, trứng gà rừng để lại chỗ cũ, chừng đó mới biết hướng về bon.

Ngày xưa bên chân núi Nâm Nung, Nâm N'Jang, núi Gà Rừng không có người làm bon ở gần đó. Bon người ta ở cách xa chân núi một buổi bước, một ngày đi.

z5535559365133_90061d5d357dcd23ed1e095c52baf105(1).jpg
Từ trái qua: Núi Nâm Nung, thấp hơn là núi Gà Rừng (phía xa) và núi Nâm N'Jang (bên phải)

Bon ở gần nhất là bon Bu Nông ở bên suối Đắk Nông. Bon Bu Nông có nhiều người, nhiều hộ, nhiều dãy nhà. Có một hộ là có tiếng vang xa nhất. Hộ này có 4 anh chị em. Hai người anh trai tên là Yung và Yă đều to lớn, có sức khỏe phi thường. Hai người em gái tên là Brah và Yah đều rất xinh đẹp, sống hiền lành với mọi người xung quanh. Hai người em gái giỏi bổ củi, nấu ăn, giã gạo, kéo sợi, dệt thổ cẩm… làm cho người người muốn cưới, muốn cướp hai chị em này về làm vợ nhưng sợ hai người anh.

Có một hôm, hai người anh đi thăm bon xa, được mọi người làm rượu thịt mời ăn uống no say nhiều ngày không về. Ở nhà, rau, cá, lúa đã hết, củi đốt cũng không còn nên hai chị em Brah và Yah bàn nhau đi bổ củi, hái rau xúc tép, cua, cá tại vùng bên bờ suối Đắk Nông.

Khi hai chị em bổ củi đã mệt, mồ hôi ra ướt cả thân mình. Lúc này có đoàn khách đi qua đường, đi qua bon, biết hai người anh là Brah và Yah đi thăm bon xa không ở nhà. Đoàn khách đi đường xa đã nghe thấy tiếng bổ củi của hai chị em liền nảy sinh ý bắt cóc hai chị em Brah và Yah mang đi.

z5535559363905_a2c09a6dcf9476aca7137cb68c9e744f(1).jpg
Những năm gần đây, núi Gà Rừng được quy hoạch bảo vệ để động, thực vật sinh trưởng, phát triển

Chị em Brah và Yah đang bổ củi bên đường, khách qua lại bên thung lũng. Tại vị trí hai chị em bổ củi, phía trên dốc là bãi cỏ, phía dưới là dòng suối, hai bên trái, phải đất trống thoáng. Đoàn khách đi chậm rãi, từng bước ngắn, gần đến nơi hai chị em đang bổ củi. Chỉ còn cách hai chị em bổ củi khoảng bằng một vạc rẫy. Có con gà rừng mẹ dẫn đàn con bới lá khô kiếm mồi ở bên đường. Con gà mẹ nghe tiếng khách xì xào bay đậu trên cành cây cục tác báo hiệu cho đàn con chạy.

Đoàn khách mải đuổi bắt con gà rừng đã quên ý định đi bắt hai người phụ nữ đang bổ củi. Đàn gà con chạy tán loại núp trong lá cây khô biến mất. Khách không bắt được con gà rừng nào. Chị em Brah và Yah nghe tiếng khách ồn ào đuổi bắt gà rừng, nhìn qua có đoàn khách. Hai chị em nhìn thấy đoàn khách đã đến gần mình rồi. Hai chị em không biết đường nào mà trốn, mà ẩn nấp, phía trên đường là đồi cỏ, phía dưới đường là suối. May có một vạc cây rau đinh cao ngang cổ. Hai chị em mang rìu và gùi chui núp trong vạc cây rau đing. Đoàn khách mải bắt gà rừng con không nhớ đến người bổ củi nữa. Đoàn khách đi trên đường qua nơi hai chị em bổ củi, họ đi tự nhiên, càng lúc càng xa dần, xa dần, khuất đi.

Khi đoàn khách đã khuất đi rồi, hai chị em vui mừng ra khỏi bụi cây rau đing, hai chị em chưa hết sợ, sợ đoàn khách lại đến sau không biết đường chạy. Hai chị em Brah và Yah không thèm đi hái rau và bỏ cuộc đi xúc tép, cua, cá luôn. Hai chị em vội vã chất củi vào gùi, mang gùi đầy củi và ra về nhà.

Đến tối, hai chị em ngủ, trong giấc mơ thấy một bà già. Bà già hỏi: có phải hai cháu này hôm nay bổ củi tại thung lũng kia không? Chị Brah đáp: Đúng chúng cháu bà ạ! Bà già nói: Hai cháu có thấy đoàn khách đi qua không? Brah nói: Chúng cháu có thấy, chúng cháu sợ khách, khiếp không có đường chạy ẩn nấp, phía trên đường thì có đồi cỏ, phía dưới đường có suối, chúng cháu chui vào bụi cây rau đing để ẩn nấp đỡ, khách không nhìn thấy chúng cháu.

Bà già nói: Đoàn khách này đã nghe tiếng bổ củi rồi, họ đã bàn tính đi rình bắt cóc hai cháu. Lúc đó, bà đang dẫn đàn con bên đường, bà hét to cho hai cháu nghe để chạy trốn nấp. Nghe bà hét to, đàn con của bà chạy tán loạn. Đoàn khách mải đuổi bắt đàn con của bà, quên ý định rình bắt hai cháu. Các con của bà chạy tán loạn chui núp trong lá khô biến mất. Đoàn khách cũng không bắt được con nào của bà.

z5535559338701_380fd7bb031a7754f6571442bfcc33e8(1).jpg
Núi Gà Rừng nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung thuộc xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song (Đắk Nông)

Brah hỏi: Vậy bà là ai? Bà tên gì? Bà ở bon nào có thể cho chúng cháu biết.

Bà già nói: Bon của bà ở trên núi kia cháu ạ, hai cháu không nhìn thấy bon của bà đâu. Bà đây là gà rừng cháu ạ. Gà rừng chúng tôi làm nhà trên núi kia cháu ạ. Chúng tôi làm ổ đẻ trứng trên núi kia, dân bon người lấy ăn trứng nhiều. Nếu không có bà hai cháu đã bị khách bắt rồi. May mà có bà ở đó mới thoát, bà đã giúp hai cháu thế đó rồi, hai cháu nhớ giúp lại cho bà thế này nhé

Brah và Yah nói: Chúng cháu không có của để đền ơn.

Bà già nói: Không phải giúp của đâu cháu ạ. Bon của bà ở bên bờ suối, bon của cháu ở một bên bờ suối, ta kết dòng họ. Kể từ ngày hôm nay, các cháu đừng ăn trứng, ăn con và ăn chúng tôi, cho đến khi đời đời con cháu về sau cũng không ăn nữa. Người nào cố ăn thịt của chúng tôi sẽ mù mắt. Hai cháu nói cho mọi người biết để truyền cho con cháu mai sau. Bà nói xong biến hình thành con gà rừng, cất cánh bay xa mất dạng luôn.

ADQuảng cáo

Bà già vừa biến mất, chị em Brah và Yah thấy buồn ngủ và ngủ luôn.

Sáng thức dậy chị em Brah và Yah kể chuyện mơ cho nhau nghe. Chị Brah và Yah kể chuyện trong mơ y như nhau. Quả là một giấc mơ linh thiêng.

Hai ba ngày sau, anh em Yung và Yă về đến nhà. Hai chị em Brah và Yah kể lại chuyện gà rừng cho hai anh Yung và Yă nghe.

Từ ngày đó, Yung và Yă rao truyền cho dân bon không được lấy trứng gà ở trên núi, con cháu của Yung, Yă, Brah Yah không ăn thịt gà rừng cho đến nhiều đời sau.

Từ đời Yung, Yă, Bah, Yah đến nay mới được mười đời người con cháu của họ vẫn kiêng ăn gà rừng. Họ xem con gà rừng là bà con cùng dòng máu, dòng họ với mình.

z5535559358036_6e84c07163352465b1d591604016851a(1).jpg
Rừng nguyên sinh, nhiều tầng trên núi Gà Rừng của tỉnh Đắk Nông

Dưới đây là gia phả từ đời Yung và Yă.

Đời thứ nhất: Yung, Yă, Brah, Yah

Đời thứ hai: Ông Yung kết hôn với bà Ốt sinh con: Mbó, Nsiăr

Đời thứ ba: Ông Nsiăr kết hôn với bà Roi sinh con: Múng Blúng

Đời thứ tư: Ông Blúng kết hôn với bà Bưu sinh con: Phom, Jrơm

Đời thứ năm: Bà Phơm kết hôn với ông Ntrong sinh con: Số, Sé

Đời thứ sáu: Ông Sưng kết hôn với bà Sé sinh con: Nsông, Giong

Đời thứ bảy: Ông Yưh kết hôn với bà Giong sinh con: Dré, Kruănh, Djnmg.

Đời thứ tám: Bà Dré kêt hôn với ông Ntông sinh con: Nklưt, Nkâu, Nklúng, Juănh.

Đời thứ chín: Nkâu (Điểu Kâu) kết hôn với bà Nguyêt sinh con: Mai, Phước.

Đời thứ mười: Con của Mai, của Phước.

Câu chuyện kể về sự tích núi Gà Rừng, nguồn gốc nhà Yung và Yă; về nguồn gốc kết nghĩa bon. Câu chuyện cũng nhắc nhở về việc bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã.

Theo truyện cổ M’nông chàng PRôt và nàng Ji Byât

(Người kể: Điểu Klưk; người dịch: Điểu Kâu)

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự tích núi Gà Rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO