Đất và người Đắk Nông

Sự tích cá trắng đầu suối N'Drung ở Đắk Nông

A Trư (th) 17/07/2024 07:20

Câu chuyện kể về sự tích loài cá trắng suối ở Đắk Nông. Đồng thời, kể về nguồn gốc một số con suối trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Dòng suối Rlong Ra bắt nguồn từ một đồi núi, ngày nay thuộc quốc lộ 14, gần UBND huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Dòng suối Rlong Ra gặp suối Đắk Pri, Đắk Sôr, chảy xuống sông Krong. Sông Krông K’nô (sông chồng) gặp sông Krông Ana (sông mẹ) cùng chạy xuống sông Mê Kông. Sông Mê Kông cùng nhiều con suối thành dòng sông Cửu Long. Sông Cửu Long chia làm chín ngả cùng chảy xuống biển cả. Phía mặt trời mọc UBND huyện Đắk Song (bây giờ) là suối Đắk N’drung. Con suối Đắk N’drung bắt nguồn từ huyện Tuy Đức thuộc tỉnh Đắk Nông. Suối Đắk N’drung chảy xuống Đắk R’tíh, suối Đắk R’tíh chảy xuống Đắk Dơng - Đồng Nai, rồi chảy xuống biển cả.

323437784_539780948077922_4160437226275722044_n(1).jpg
Cá trắng ở đầu suối Đắk N'drung

Suối Đắk N’drung có thác bảy tầng. Con cá mẹ, cá to, cá trắng không qua thác nổi. Phía trên thác chỉ có cá lóc, cá trê, cá mơk, cá nke, cá ntâr, cá trắng trước kia chưa có, không có loại cá trắng phía trên thác bảy tầng. Thác bảy tầng còn gọi là thác Long Vi, Long Yai (nay gần cầu 20, quốc lộ 14 đường đi Đắk Nông).

Ngày xưa có ông Ngay, ở bon Ndrung. Ông Ngay làm rẫy, trỉa lúa, kiếm cá ăn, làm bẫy, đặt cung bắt chim, bắt thú, chăn trâu và hàng năm còn tổ chức các lễ cúng thần linh ở bên bờ suối N’drung, phía trên thác bảy tầng.

z5572329002867_8071c59661d8635e34b70699596f0645(1).jpg
Khu bảo tồn Nâm Nung, nơi ông Ngay trong truyện cổ đặt bẫy thuở xưa

Có một lần ông Ngay đắp bờ đặt bẫy dọc bờ suối N’drung. Ông đắp bờ làm bẫy kín lắm, con thằn lằn, con rắn, con rít không qua được. Ông đắp bờ làm bẫy dài lắm, phía trên giáp núi Gung Klo, phía dưới giáp Đắk Siăt. Ông đắp bờ làm bẫy dọc theo sườn núi. Đắp bờ xong chừa cửa để đặt bẫy, chừa cách xa một cửa để đặt bẫy. Mỗi ngày, ông Ngay thăm bẫy dính chim, dính con gà rừng, dính con cheo, con rắn. Các loại chim vào cửa bẫy đều dính. Có một ngày ông Ngay đi thăm bẫy, thấy dấu chui bờ bẫy một đường, đường chui có dấu nhiều mà không biết là con gì. Ông Ngay đặt bẫy trên đường có dấu chui đó thử. Đến sáng hôm sau ông thăm bẫy mới đặt hôm trước nơi có dấu thì được một con cá trắng, ông Ngay suy nghĩ: Tại sao lại có cá ở trên núi cao này? Ông Ngay nói một mình: Chắc thần phá tôi đấy thôi. Cá này không ăn được, ông tháo cá trong bẫy vứt đi. Đến ngày hôm sau ông đi thăm nữa, đi đến nơi lại có một con cá trắng dính bẫy. Ông cũng không dám lấy cá ăn, ông gỡ cá vứt bỏ, sau đó đặt bẫy như cũ. Ngày hôm sau ông đi thăm bẫy lại dính một con cá nữa. Ông gỡ cá vứt bỏ nữa. Ông Ngay thăm bẫy bảy buổi sáng, bảy con cá dính vào bẫy. Dính bảy con cá ông quá sợ rồi, ông nói: Chắc là cá này thần đưa vào bẫy để báo hiệu không cho tôi làm bẫy tại vùng này. Ông Ngay một mình suy nghĩ một hồi lâu rồi ông lấy một nhúm cơm, thuốc hút một vài sợi đặt ở trên lá cây đặt trên đất, sau đó ông khấn vái: Tôi cầu khấn các thần tại nơi đây. Tôi làm bẫy để bắt chim, bắt cheo, bắt con nhím, con sóc để ăn.

Thác 7 tầng của suối Đắk N'drung, nơi cá trắng không đi qua được trong truyện cổ
Thác 7 tầng của suối Đắk N'drung, nơi cá trắng không đi qua được trong truyện cổ

Thần đút con cá vào bẫy của tôi đã bảy lần. Nếu các thần rừng không ưng hãy báo cho rõ để tôi dỡ hết bờ bẫy này. Xin thần đừng khiến cho tôi ốm đau, dịch bệnh chết người, thần đừng khiến cho tôi bị thiếu đói. Nếu thần không cho tôi làm bẫy tại đây xin thần báo cho tôi trong giấc mơ. Cầu khấn xong, ông Ngay bỏ tất cả bẫy tại đó, không thèm đi thăm bẫy nữa. Ông sợ thần, ông đi về không thôi. Ông Ngay về tay không, đến nhà vợ hỏi: Tại sao hôm nay về không? Không có chim à? Ông Ngay đáp: Tôi không dám thăm bẫy nữa, tôi thăm bẫy bảy ngày dính bảy con cá, chắc là cá thần đút vào bẫy để báo hiệu cho tôi. Chắc là thần không cho tôi làm bẫy tại đó. Tôi không thèm đi thăm bẫy nữa, tôi bỏ bẫy, cả bờ bẫy luôn. Tối ông Ngay ngủ say mơ thấy một ông già đến thăm nhà ông Ngay. Ông già hỏi: Cháu đắp bờ bẫy tại núi kia phải không? Ông Ngay đáp: Phải, tôi làm bẫy tại trên đó ông ạ, xin ông trách tôi đi nhé. Tôi làm bẫy tại rừng của ông, ông có trách và giận tôi không? Ông già nói: Ông không trách, không cản cháu làm bẫy đâu cháu ạ, nhưng cháu đắp bờ bẫy quá kín cháu ạ chúng tôi không có lối nào đi qua nữa, chúng tôi đi kiếm nước để ở, muốn ở trong nước ao đầu suối N’drung. Chúng tôi không có đường đi qua đó cháu ạ. Chúng tôi lên theo nước bị thác Liang Í, Liăng Nai ngăn nên chúng tôi đi lên qua suối Đắk Sôr, đi qua núi này xuống đến núi N’drung. Chúng tôi muốn ở bên này cháu ạ, chúng tôi đi đến đây bị bờ bẫy của cháu chặn lại, không phải tôi không cho cháu làm bẫy đâu. Xin cháu đừng đắp bờ bẫy kín quá để cho con cháu tôi có thể chui qua lọt. Cháu cho con cháu của tôi đi qua bờ bẫy để sống chung với các cháu bên Đắk N’drung này cháu nhé. Ông Ngay chưa kịp nói gì thêm, đã giật mình thức giấc luôn. Khi thức giấc ngủ, ông ngồi dậy suy nghĩ một hồi lâu. Tôi mơ thấy ông già chắc là thần cá thật.

Tối hôm sau để biết chắc chắn lời ông già như trong mơ đã nói, ông Ngay đến rình tại bờ bẫy, tại gần đường con cá bơi qua, nơi cửa bẫy đã dính cá mấy hôm trước. Đến nửa đêm, ông thấy đàn cá kéo nhau đi qua, đàn cá chui vào cửa bẫy. Ông Ngay mới tin thật đây là đường con cá đi qua. Từ ngày đó, ông không đặt bẫy ở đó nữa, mà mở đường rộng cho cá đi. Sau này, người trong vùng gọi là vùng núi đường cá (Dak Rlong La).

z5568577907527_5fc75b7cc6fdd43271c4dbb6a46d827a(1).jpg
Cá trắng suối ngày nay trở thành đặc sản ở Đắk Nông, nhất là được nướng lên chấm với muối giã cùng ớt xanh

Câu chuyện kể sự tích cá tìm đường tránh thác nước cao lên đầu suối Đắk N'drung. Vượt khó khăn, thử thách để sinh tồn. Giáo dục con người yêu thiên nhiên, quý trọng, bảo vệ cá sông, suối tự nhiên. Câu chuyện cũng kể về nguồn gốc hình thành các con sông, con suối trên địa bàn Đắk Nông ngày nay. Nội dung chính của câu chuyện là kể về nguồn gốc loại cá trắng suối ở Đắk Nông. Ngày nay, cá trắng suối là một loại thực phẩm, một đặc sản rất ngon của đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Nông. Món cá này thường được nướng lên, cùng với các món ăn khác như cơm lam, thịt nướng, rượu cần, rau nhíp, đọt mây, canh thụt..., trở thành một mâm cỗ thường thấy trong các lễ hội, ngày quan trọng của đồng bào dân tộc M'nông, Mạ ở Đắk Nông.

z5568577582441_8e98e40f66cc07fea6a5b785005246e7(1).jpg
Cùng với những món ăn đặc sản khác, cá trắng suối nướng hình thành mâm cỗ không thể thiếu trong các ngày lễ, tết của đồng bào dân tộc M'nông, Mạ

Theo Truyện cổ M'nông Chàng Prôt và nàng Ji Byât. Người kể: Điểu Klưk; người dịch: Điểu Kâu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự tích cá trắng đầu suối N'Drung ở Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO