Sự kiên trung của những chí sĩ yêu nước ở "Địa ngục trần gian" Côn Đảo

Đức Hùng| 01/02/2020 12:50

Hệ thống Nhà tù Côn Đảo thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những khu di tích lịch sử cách mạng lớn nhất và lâu đời nhất Việt Nam.

Trong suốt 113 năm tồn tại  (1862-1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam cầm, đày đọa hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Nói đến Nhà tù Côn Đảo, ai cũng cảm nhận đó là "địa ngục trần gian" vì sự tàn ác của thực dân xâm lược...

Đường vào khu "chuồng cọp" nơi biệt giam khắc nghiệt nhất

Hệ thống Nhà tù Côn Đảo có 8 trại giam chính, với 127 phòng giam, 44 xà lim. Riêng hệ thống biệt lập “chuồng cọp Pháp” và “chuồng cọp Mỹ” trong Nhà tù có tới 504 phòng. Với chính sách cai trị tù thâm hiểm, tàn bạo, lấy mục tiêu đánh gục, tước đoạt sinh mạng chính trị lẫn tính mạng tù nhân, thực dân xâm lược đã thường xuyên dùng các ngón đòn để đày đọa, tra tấn, hành hạ các chí sĩ yêu nước của chúng ta.

"Chuồng cọp" kiểu Pháp nằm bên trong trại giam Phú Tường có 120 phòng biệt giam chia làm 2 khu, mỗi khu 60 phòng

Dù ở trong hoàn cảnh như vậy, nhưng đầu năm 1932, các tù nhân chính trị yêu nước của chúng ta vẫn thành lập "Chi bộ đặc biệt" ở khám Chỉ Tồn Banh I. Chỉ hơn một năm sau, tức cuối 1933, Chi bộ này đã phát triển thành Chi bộ Nhà tù Côn Đảo, do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, những cuộc đấu tranh của người tù chính trị nổ ra thường xuyên, có tổ chức, bảo vệ được nhân cách người cộng sản.

Bên trên "chuồng cọp" có song sắt kiên cố và có hành lang ở giữa dành cho cai ngục đi lại kiểm soát, hành hạ người tù bằng cách ném vôi bột, dội nước bẩn

Hòa nhịp với phong trào cách mạng bên ngoài, Chi bộ Nhà tù Côn Đảo đã đấu tranh đòi đại xá tù chính trị thành công vào giai đoạn 1936-1937. Bên cạnh đó, Chi bộ cũng đã tổ chức nhiều cuộc vượt ngục thành công, đưa một số đảng viên về được đất liền để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Nhà tù còn có 60 phòng tắm nắng không có mái che là nơi để hành hạ, tra tấn người tù

Chi bộ Nhà tù Côn Đảo đã biến nhà tù thành trường học cách mạng về lý luận chính trị, văn hóa... Nhờ đó, nhiều chiến sĩ cộng sản khi về đất liền đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước. Mặt khác, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, người tù chính trị còn kịp thời đứng lên giành Côn Đảo vào ngày Cách mạng tháng Tám.

Các tù nhân nữ bị giam giữ tại "chuồng cọp"

Từ 1946, người tù cộng sản bị đày ra Nhà tù Côn Đảo ngày càng đông. Trong bối cảnh đó, Chi bộ Nhà tù Côn Đảo đã phát triển thành Đảng ủy Côn Đảo vào năm 1950, do đồng chí Lê Trọng Bộ làm Bí thư. Đảng ủy Côn Đảo lãnh đạo, củng cố Liên đoàn tù nhân kháng chiến (trước đó là Liên đoàn tù nhân) Côn Đảo, đẩy mạnh phong trào đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, tìm cơ hội tổ chức vượt ngục. Dự sự lãnh đạo của tổ chức đảng, cuộc vũ trang bạo động vượt đảo lớn nhất trong lịch sử Nhà tù Côn Đảo đã diễn ra vào ngày 12/12/1952 tại Bến Đầm. Cuộc bạo động đã làm rung chuyển toàn bộ Nhà tù Côn Đảo, buộc địch thay đổi chính sách vô nhân đạo với người tù.

Các tù nhân phải làm việc nặng nhọc như đập đá để xây dựng các công trình

Bất chấp chế độ lao tù và sự đàn áp dã man của địch ở Nhà tù Côn Đảo, các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước Việt Nam đã kiên cường, giữ vững khí tiết. Nhiều đồng chí từng bị giam cầm ở đây đã trở thành lãnh đạo và cán bộ xuất sắc của Đảng ta như: Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh…

Phòng giam tập thể tại trại giam Phú Hải

Với những giá trị lịch sử hết sức to lớn của Nhà tù Côn Đảo, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Khu di tích lịch sử Côn Đảo là Di tích quốc gia đặc biệt, với tổng diện tích bảo vệ hơn 110 ha. Ngày nay, Khu di tích lịch sử Côn Đảo là nơi giáo dục truyền thống và phục vụ khách thăm quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của các chiến sĩ và đồng bào yêu nước trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc.

Trại giam Phú Hải nhìn từ bên ngoài

Người tù bị cùm chân và phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp

Các tù nhân vừa phải lao động, vừa bị đánh đập

Các tù nhân liên lạc với nhau bằng hình thức gõ vào vách tường

Biển ghi danh các chiến sĩ cách mạng kiên cường, giữ vững khí tiết

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự kiên trung của những chí sĩ yêu nước ở "Địa ngục trần gian" Côn Đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO