Đời sống

Sự học xưa và … nay

Đức Diệu 08/04/2023 11:30

Lâu nay, nhiều người đưa ra nhận định: sự học ngày nay đã khác xưa quá nhiều. Tiêu chí để đánh giá sự khác biệt đó không gì khác ngoài quan niệm về vấn đề học tập, mối quan hệ giữa thầy và trò, nhà trường và phụ huynh…

Ông cha ta thường có câu: “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Tức là con người ta sinh ra đã phải học, từ cái đơn giản, sơ khai, đến cái lớn lao, phức tạp. Sự học đeo đuổi con người trong suốt một kiếp người. Từ đây, quan hệ thầy trò nảy sinh là do ở xã hội con người nảy sinh sự học, tức là hoạt động tiếp nhận, đào luyện tri thức và kỹ năng. “Sự học” trong ý niệm của các lớp người trước còn mang nghĩa rộng hơn, chỉ hoạt động học thuật, tức là hoạt động nghiên cứu, phát minh, sáng chế, bổ sung và làm giàu các nguồn tri thức và kỹ năng.

Tuy nhiên, đời sống hiện đại, quan niệm về sự học có phần khác hơn. Môi trường học đường cũng vì thế mà không gói gọn trong không gian trường, lớp, mà nó được mở rộng ra một phạm vi rộng hơn (học trực tuyến, học qua mạng Internet…). Từ đây, quan hệ giữa thầy và trò cũng khác.

final-12-1605803464512188620365.png
Dạy học ngày xưa (ảnh tư liệu)

Quan nệm về thầy ngày xưa được gói gọn trong câu ngạn ngữ: “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, còn ngày nay thì sao?.

Có lần ngồi “nghe lỏm” đứa con gái lớn nói chuyện với mấy đứa bạn cùng trang lứa về thầy giáo. Nghe cách xưng hô về người thầy của chúng, tôi thấy có gì đó là lạ, sai sai. Lúc chúng xưng “ông thầy”, lúc chúng xưng “anh thầy”, có đứa lại gọi “anh ấy”… Hỏi ra mới biết, đứa gọi “anh ấy” là do giờ thầy không còn dạy chúng nữa. “cháu thích thì cháu gọi anh thôi…”.

Không biết đúng hay sai, nhưng đó cũng là sự chuyển dịch về quan niệm thầy và trò. Từ quan niệm tuyến tính, mặc định của thầy, trò ngày xưa nay đã khác. Đó là sự ghi nhận, công nhận và tương tác qua lại giữa sự học của thầy và trò trong thời đại ngày nay.

Trong đời sống hôm nay, học tập là một phần việc mà mỗi người phải theo đuổi suốt đời. Ai cũng phải học và ai cũng có thể truyền thụ cho người khác được ít ra là một vài hiểu biết hay kỹ năng nào đó. Vậy mà, mỗi người chuyên làm nghề dạy học chỉ có thể “làm thầy” ở một môn học nào đó, trong một thời điểm nào đó, và cũng phải thường xuyên cập nhật những cái mới trong chuyên môn của mình thì mới duy trì được vai trò nghề nghiệp của mình. Tức là trong thực chất, khả năng “làm thầy” thiên hạ bao giờ cũng rất hạn hẹp. “Ở đời sống hiện đại, có rất ít bậc thầy đúng nghĩa. Ở đời sống hiện đại, không tồn tại thánh hiền…”.

Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên được đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi, trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Quan điểm trên xuất phát từ những khác nhau về sự học xưa và nay. Trước đây, con người chủ yếu đi học các ngành thuộc về nhân văn và học thuật tư tưởng, chuyên chăm về tư tưởng đạo lý. Đi học là học Đạo chứ không phải học các ngành khoa học như ngày nay. Triết học Đông phương được gọi là Đạo học, mục đích là để hiểu về Đạo, để trở thành hiền giả, hiền triết, thánh nhân. Nó khác ngày nay là đi học để trở thành những người thợ, chuyên viên, chuyên gia hoặc nhà khoa học, triết gia… Có thể nói, phần lớn nó chẳng liên quan gì đến đạo lý, tư tưởng, văn hóa gì cả, ngoại trừ một ít ngành nghiên cứu thuộc lĩnh vực chuyên môn, nhưng chỉ là vấn đề thuộc tri thức.

tam-huyet-6.jpg

Sự học trước đây chủ yếu lấy Đạo, lấy Đức làm nền và làm mục đích, nên người ta thường nói: “học làm người”, và người xưa quan niệm rất nhân bản: “không thành công cũng thành nhân” và luôn luôn phải là “văn dĩ tải đạo”. Bởi thế, nếu đi học mà không làm quan giúp đời thì kẻ sĩ vẫn ung dung tự tại vui thú với điền viên, với lối sống dân dã hết sức mộc mạc giản dị và thanh cao, không cần những tiện nghi vật chất, vì họ sợ bị ràng buộc và nô lệ vào sự nhiễu nhương của đời sống vật dục.

Ngày nay, sự học được mọi người quan tâm hàng đầu trong việc giáo dục con người, đến nỗi nói đến giáo dục là người ta nghĩ ngay đến việc đi học, vô hình trung nó được đồng hóa hay đồng nghĩa với cặp từ “giáo dục”. Có lẽ đây là nguyên nhân và mấu chốt của vấn đề dẫn con người xa dần cái ý nghĩa cao quý đích thực của việc học nói riêng, giáo dục nói chung. Nó khác với lối học ngày xưa chính là ở điểm này.

Ngày nay không ai mà không thấy sự cần thiết của việc học, nó là điều kiện buộc phải có để sống, để hội nhập với xã hội. Nó cũng là điều kiện cơ bản như một tiêu chí để đo lường mức thang giá trị của con người, giá trị của một cá nhân.

Dù học môn gì, ngành gì, nó cũng định dạng để gắn liền với nghề nghiệp, với nguồn lợi của thu nhập. Vì vậy, nghề nghiệp và nguồn thu nhập trở thành mục tiêu cho sự học. Do đó quan niệm về sự học cũng thay đổi, một sự thay đổi gần như ngược với xã hội truyền thống trước đây. Điều này diễn ra từ sự biến dịch trong quy luật của lịch sử. Cái học ngày nay là cái học của khoa học nói chung, đặc biệt chú trọng vào khoa học ứng dụng, khoa học kỹ thuật và khoa học thực nghiệm. Bởi thế nó được hệ thống hóa và đi vào chuyên môn để chia chẻ ra rất nhiều môn, nhiều ngành. Nhờ thế nó giúp cho mỗi người đi chuyên sâu vào từng lĩnh vực tới mức tinh vi, giúp cho xã hội có rất nhiều nhân tài mang tính chuyên môn để xây dựng và phát triển đất nước.

hinh-anh-cuc-dep-ve-thay-co-giao-750x600.jpg
Khoảnh khắc đẹp giữa thầy và trò

Nhiều ý kiến cho rằng, sự học ngày nay phần lớn xuất phát từ động cơ tồn tại, thu nhập hoặc lợi nhuận. Điều này đã thể hiện khá rõ trong xu thế học tập của con em ngày nay. Đó là việc lựa chọn các môn học ứng dụng, môn học sẽ “sinh ra lợi ích “ sau này. Các môn học như đạo đức, lịch sử, văn hóa… ít được học sinh quan tâm hơn.

Sự học thì thời nào cũng cần thiết và cao quý, nhưng nó thực sự có giá trị hay không là tùy vào sự nhận thức của con người. Nếu cái học chỉ là phương tiện kiếm tiền thì nó trở thành sự tầm thường, đơn thuần và đơn nghĩa. Học là bổn phận và trách nhiệm của tuổi trẻ, mục đích là để phục vụ, xây dựng, làm giàu, làm đẹp, làm tốt, trở nên hoàn thiện cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Đó là cái học cao quý cho mọi thời đại.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Sự học xưa và … nay
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO