Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn để nâng giá trị nông sản
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ sức khỏe bản thân và môi trường.
Thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV) là vật tư quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc lạm dụng TBVTV có thể gây ra nhiều hậu quả xấu đến sức khỏe con người, môi trường và chất lượng nông sản.
Ở nhiều địa phương hiện nay, việc sử dụng TBVTV của nông dân còn một số bất cập, chưa tuân thủ theo nguyên tắc khuyến cáo mà phần lớn chỉ mới chú trọng đến công dụng của thuốc. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng và không đáp ứng được các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm của hàng Việt khi xuất khẩu.
Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT), các địa phương cần đẩy mạnh khuyến cáo người dân sử dụng TBVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm. Đây là giải pháp quan trọng để khắc phục những tiêu cực từ việc lạm dụng TBVTV trước đây.
Nông dân, các đại lý buôn bán TBVTV phải được tập huấn, hướng dẫn nhằm nắm rõ nguyên tắc sử dụng thuốc và phòng trừ sinh vật gây hại. Từ đó phát huy hiệu quả TBVTV, giữ gìn môi trường xanh, sạch, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
Đối với nhà nông, cần sử dụng sản phẩm trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam; sử dụng TBVTV theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách); tăng cường dùng các hoạt chất thuốc có nguồn gốc sinh học, có độ độc thấp và có thời gian cách ly ngắn.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, người dân cần đa dạng cây trồng, luân phiên thay đổi giống cây trồng trong năm, đẩy mạnh những biện pháp nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng sản phẩm tốt. Ngành chức năng siết chặt kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng TBVTV tại các vùng sản xuất; bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch…
Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông, nông nghiệp là một trụ cột kinh tế của tỉnh. Với diện tích sản xuất nông nghiệp khoảng 319.000 ha, hàng năm tiêu thụ một số lượng lớn TBVTV.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 596 cơ sở đủ điều kiện buôn bán TBVTV. Trong năm qua, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với cơ sở kinh doanh TBVTV. Qua đó góp phần hạn chế tình trạng kinh doanh sản phẩm kém chất lượng.
Ngành chức năng, các đoàn thể, các huyện, thành phố đã chú trọng tập huấn, xây dựng, nhân rộng các mô hình về sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao trên cở sở sử dụng hợp lý TBVTV. Do vậy, thời gian qua, nhiều chủ cơ sở kinh doanh, người sản xuất đã có những nhận thức mới về sử dụng TBVTV an toàn, trách nhiệm. Tỉnh có chương trình, kế hoạch cụ thể về phát triển nông sản đạt các tiêu chuẩn tốt, hữu cơ.
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (Đắk Nông), gia đình hiện có gần 2ha xoài trồng theo quy trình VietGAP, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. "Việc sử dụng thuốc BVTV đúng cách không chỉ dừng lại ở chuyện phun xịt đúng thuốc, nồng độ, liều lượng, thời gian cách ly mà còn phải chú ý đến bảo hộ lao động, thu gom bao, vỏ để không ảnh hưởng đến môi trường đất, nước...", ông Khánh cho biết thêm.
Đắk Nông đã hình thành được các vùng sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tỉnh hiện có trên 2.600ha nông sản đạt chứng nhận VietGAP, trên 1.200ha đạt chứng nhận hữu cơ và khoảng 25.000ha đạt các tiêu chuẩn chứng nhận khác như 4C, UTZ, FLO.