Sử dụng kháng sinh đúng cách để tránh kháng thuốc
Sử dụng kháng sinh đúng cách rất có lợi trong chăm sóc và điều trị các bệnh lý nhiễm trùng. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh khi không cần thiết sẽ không giúp cơ thể con người nhanh chóng phục hồi, mà ngược lại còn có thể gây ra nhiều hệ lụy.
Chị Lê Thị Hiên, xã Đắk R’Moan (Gia Nghĩa) cho biết: Thấy con bị ho, sốt, sổ mũi 2 ngày không đỡ, tôi ra hiệu thuốc tây mua cho cháu 5 ngày thuốc. Uống được 3 ngày thì thấy cháu bớt hẳn. Do sợ uống nhiều kháng sinh không tốt cho cháu nên tôi cho dừng thuốc nhưng cháu bị lại. Đưa đi khám, bác sĩ cho biết cháu phải đổi kháng sinh khác vì có đã có dấu hiệu kháng thuốc.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay, tình trạng các loại vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc diễn ra nhiều. Nguyên nhân là do dùng thuốc kháng sinh không đủ thời gian, không đủ liều lượng làm cho vi khuẩn chưa bị tiêu diệt hết và biến đổi để trở nên kháng thuốc.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc kháng sinh thành thói quen và phổ biến, làm cho các vi khuẩn có lợi cho cơ thể bị tiêu diệt, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển. Dùng thuốc kháng sinh không đúng loại khi bị mắc bệnh nhiễm khuẩn, làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt mà còn biến đổi để kháng lại với kháng sinh.
Để hạn chế lạm dụng thuốc kháng sinh cần nâng cao nhận thức ngay từ mỗi cá nhân bằng cách bắt đầu thói quen tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ. Người bệnh và người nhà bệnh nhân không tự ý mua và dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị. Khi được bác sĩ kê đơn có thuốc kháng sinh, luôn uống đủ liều lượng đã được kê, không nên tự ý tăng hay giảm liều, làm cho kháng sinh tác dụng không đầy đủ và gây nên kháng thuốc.
Bác sĩ H’Vinh Niê, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cho biết, thời gian sử dụng thuốc kháng sinh phải bảo đảm đúng quy định. Thông thường kháng sinh được dùng từ 7 đến 10 ngày. Ngừng kháng sinh sớm hoặc không đủ liều có thể gây ra nhờn kháng sinh, bệnh dễ tái phát và có thể nghiêm trọng hơn những lần trước. Đặc biệt, không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước; không chia sẻ thuốc kháng sinh trong toa thuốc đang dùng cho người khác uống, ngay cả khi đó là người thân của mình và phải luôn theo dõi tác dụng không mong muốn của thuốc.
Bác sĩ H’Vinh cũng khuyến cáo: "Trước khi dùng một loại kháng sinh nào đó, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để biết các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Khi có tác dụng không mong muốn, nên thông báo cho bác sĩ biết để được tư vấn cách xử trí. Sau khi uống hết toa thuốc cần đi tái khám đúng hẹn. Mọi người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn, góp phần giảm bớt nguy cơ phải dùng đến thuốc kháng sinh. Mỗi cán bộ y tế cần sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, chỉ định sử dụng kháng sinh đúng các hướng dẫn chuyên môn và kê đơn khi cần thiết".