Kinh tế

Sự chuyển mình của hồ tiêu Đắk Song

Lê Phước 27/04/2023 05:00

Người dân thay đổi cách canh tác và liên kết với doanh nghiệp, HTX, nên sản xuất hồ tiêu ở Đắk Song ngày càng bền vững. Nhiều diện tích hồ tiêu ở đây đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, sản phẩm vươn xa trên thị trường.

Năm 2017, Công ty ty Cổ phần Tập đoàn Trân Châu quyết định mở chi nhánh tại Đắk Nông. Công ty đầu tư xây dựng nhà máy, kho xưởng tại xã Thuận Hạnh (Đắk Song) và đồng loạt triển khai chương trình phát triển cây hồ tiêu bền vững.

Là những người đầu tiên của doanh nghiệp đặt chân lên Đắk Nông, anh Vũ Đình Cường, hiện đang phụ trách mảng nông nghiệp. Trong nhóm của anh Cường, có 5 cán bộ kỹ thuật và 7 cộng tác viên là người dân địa phương được Công ty trả lương.

Theo anh Cường, Đắk Song là địa bàn có điều kiện đặc biệt thuận lợi để phát triển nông nghiệp, trong đó có hồ tiêu. Người dân các xã như Thuận Hà, Thuận Hạnh đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hồ tiêu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc.

z4295046036062_b2e56ee58e3a3d9c7dd1289656047815(1).jpg
Người trồng hồ tiêu Đắk Song dần thay đổi việc sản xuất sang hướng hữu cơ

Nhưng cũng giống như truyền thống, người làm hồ tiêu chỉ chú trọng về năng suất. Để đạt được hiệu quả cao, nhiều hộ lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Điều này mang lại hiệu quả tức thì, nhưng tiềm ẩn những hệ lụy xấu cho nông nghiệp. Sản phẩm hồ tiêu phụ thuộc thị trường quá nhiều. Còn cây trồng, đất đai chịu những tác động xấu.

Để thay đổi những thói quen xấu này, Công ty hướng dẫn người dân xây dựng, tạo cây che bóng mát cho hồ tiêu và cất giữ hóa chất, quản lý rác thải an toàn.

Công ty tập huấn, hướng dẫn người dân các kỹ thuật canh tác hữu cơ, bảo tồn các điều kiện sinh thái xung quanh nương rẫy.

Anh Cường cho biết: "Nói thì dễ chứ thực hiện thì khó vô cùng. Chỉ tính riêng việc hướng dẫn, khuyến khích người dân để cỏ trong vườn hồ tiêu, chúng tôi mất tới 3 năm".

Kết quả, người dân có sự chuyển biến mạnh về tư duy sản xuất nông nghiệp. Bà con đã chủ động áp dụng kỹ thuật vào sản xuất hồ tiêu bền vững.

a1-vung-nguyen-lieu-1-.jpg
Tại Đắk Song đã hình thành các vùng hồ tiêu chuyên canh quy mô lớn

Hiện nay, Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Trân Châu đã liên kết với người dân Đắk Song để hình thành vùng nguyên liệu hồ tiêu quy mô khoảng 1.000ha. Trong đó, có khoảng 250ha hồ tiêu được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Người dân khi tham gia liên kết với Công ty, sản phẩm hồ tiêu được hỗ trợ giá từ 2.000 đồng/kg so với giá thị trường. Những diện tích đủ các tiêu chuẩn hữu cơ sẽ được Công ty thu mua với giá cao hơn 25% so với giá thị trường.

Người dân còn được hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình chăm sóc vườn tiêu và được bảo trợ kinh phí kiểm tra sản phẩm sau khi thu hoạch.

Trân Châu, Haprosimex, Phúc Thịnh, Olam… là những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hồ tiêu lớn tại Việt Nam. Những công ty này đã đặt chân đến Đắk Song để liên kết với người dân hình thành các vùng nguyên liệu hồ tiêu quy mô lớn.

Cùng với sự xuất hiện của các công ty này là sự chuyển mình mạnh mẽ của các HTX sản xuất nông nghiệp tại địa phương như: Hoàng Nguyên, Bình Tiến, Thành Phát, Nam Bình… Tất cả đều hướng về việc sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững.

Theo Trưởng Phòng NN-PTNT Đắk Song Lê Hoàng Vinh, tham gia liên kết với các doanh nghiệp, HTX đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi tư duy sản xuất hồ tiêu của người dân.

Đây là cơ sở để UBND tỉnh công nhận 2 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại Đắk Song, với diện tích hơn 1.500ha.

“Người dân trực tiếp canh tác và quyết định hướng đi của mình. Khi có hàng hóa chất lượng, họ sẽ tìm được đối tác mua giá cao. Không chỉ về kinh tế, họ cũng là người được hưởng thành quả về môi trường và sức khỏe của mình”, ông Vinh cho hay.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Sự chuyển mình của hồ tiêu Đắk Song
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO