Chính trị

Song sắt không thể cầm tù tâm hồn (bài 3): Những cô gái đôi mươi thời đó...

PV 20/07/2023 10:15

Tuổi chớm xuân đã bị địch bắt, đày ra Côn Đảo. Trải qua khoảng thời gian nghiệt ngã ở Chuồng Cọp, Chuồng Bò nhưng những tâm hồn trẻ phút chốc bỗng hóa can trường, khiến địch phải khiếp sợ.

h21.jpg
CLB Truyền thống Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh - trong đó có nhiều người là nữ tù chính trị - viếng Nghĩa trang Hàng Dương (tháng 7-2022). Ảnh VĂN PHONG

Trưởng thành từ chốn lao tù

Sáng tháng Bảy, bà Nguyễn Thị Phương Lân - 73 tuổi, thương binh 2/4, nhà ở trong một hẻm nhỏ đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.Hồ Chí Minh - lui cui thắp nhang lên bàn thờ của gia đình. Nhìn bức ảnh đen trắng chụp người trai trẻ, bà Lân bùi ngùi - “Anh Bảy” của bà là liệt sĩ Nguyễn Sơn Hà, hy sinh ngày 5/5/1968 khi mới 25 tuổi. Mỗi lần nhắc đến anh trai, bà Lân lại chực khóc: “Ngày 4/5/1968, tôi mang tới cho anh bộ quân phục mà anh gửi về nhờ chồng chị Hai may thêm nhiều túi bên trong. Lúc đó, tôi thắc mắc may chi nhiều vậy, anh không nói. Mãi sau này, đồng đội anh kể lại, trong những túi đó là lựu đạn để chiến đấu. Rạng sáng hôm sau, anh hy sinh ở Bàn Cờ”.

Sinh ra ở xã Thạnh Mỹ Tây, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là Q.Bình Thạnh, TP.HCM) giữa thời bom đạn, được sống gần những người anh trai, anh rể có lý tưởng cách mạng, năm 1965, người con gái Nguyễn Thị Phương Lân theo anh trai vào căn cứ Thành Đoàn ở Bến Cát, Bình Dương học tập. Sau đó, bà trở lại nội thành Sài Gòn, rải truyền đơn kêu gọi học sinh, sinh viên và quần chúng nổi dậy. Năm 1968, bà chuyển sang hoạt động quân báo, bị bắt vào tháng 11 cùng năm, khi tròn 20 tuổi.

Bà Phương Lân bị giam ở nhiều nơi: bốt Ngô Quyền, Tổng nha Cảnh sát, khám Chí Hòa, nhà tù Thủ Đức, nhà lao Tân Hiệp (tỉnh Đồng Nai), hai lần bị đày ra Côn Đảo (1969-1970 và 1972-1973) với chín tháng ròng bị nhốt trong Chuồng Cọp, chịu nhiều hình thức tra tấn. Bà xúc động: “Qua nhà tù nào, tôi cũng thuộc thành phần chống đối. Thời gian ở Tân Hiệp, chúng tôi bị đàn áp bằng lựu đạn a-xít, có người mất, có người bị thương nặng, tôi bị bỏng toàn thân. Lúc đó, chúng tôi không sợ chết, chỉ sợ làm ảnh hưởng tới nhiệm vụ chung của cách mạng”.

Được trao trả tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước vào tháng 3/1973, bà Phương Lân ở lại rừng, dạy múa hát. Sau ngày 30/4/1975, bà cùng đoàn cán bộ về tiếp quản, dạy học ở Trường Thiếu sinh quân, TP.Vũng Tàu. Giai đoạn 1976-1978, bà làm cán bộ Ban Tổ chức Quận ủy, Trưởng ban Tổ chức chính quyền quận 10, Hội trưởng Hội Phụ nữ quận 10. Sau hai năm đi học ở Hà Nội về, bà gắn bó với công tác Hội Phụ nữ ở quận 10.

Nữ tù 17 tuổi

Nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Hoa (SN 1953, ở phường An Bình, TP.Biên Hoà) kể lại, năm 1969, bà cùng 7 du kích địa phương tổ chức giật mìn, cắm cờ tại cầu Hàm Hinh (Đồng Nai) thì địch dùng máy bay quần thảo, xả súng phản kích. Sau đó, bà bị bắt đưa về giam ở Ty Cảnh sát Long Khánh, rồi tiếp tục đưa về Nhà tù Thủ Đức, Nhà lao Tân Hiệp (TP.Biên Hoà). 3 năm sau kể từ lúc bị bắt, bà bị đày ra Côn Đảo (1972).

images1849355_2m_1.jpg
Nữ cựu tù Côn Đảo Võ Thị Thanh Thủy và Nguyễn Thị Hoa tìm địa chỉ cựu tù Côn Đảo qua danh sách các cựu tù chính trị bị địch bắt tại Đồng Nai

“Đó là quãng thời gian khủng khiếp”, bà Hoa nhớ lại. “Sống trong gông cùm, ăn cơm nhão như cháo, cá khô mục, mắm đắng, không có rau. Nhiều bạn tù lở loét khắp người, tưởng không ai có thể qua nổi để đợi đến ngày trở lại”. Nhưng những đòn tra tấn và chế độ cai ngục hà khắc không đánh gục được tinh thần của các chị. Trong suốt quãng thời gian bị cầm tù, không ai hé nửa lời về tổ chức, cơ sở cách mạng với địch.

Khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, bà Nguyễn Thị Hoa vẫn chưa được trả tự do. Mãi đến 9/5/1975, tàu hải quân của cách mạng mới đón bà cùng hơn 2.000 người về TP.Vũng Tàu.

Từ Côn Đảo trở về, nữ chiến sĩ cách mạng được phân công công tác tại Tỉnh Đoàn Đồng Nai, đến năm 1980 thì về hưu và vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng Nhì và Kỷ niệm chương bị địch bắt tù đày.

Những ngày tháng bất khuất

Bị đày ra Côn Đảo năm 1972 còn có nữ chiến sĩ Võ Thị Thanh Thủy (SN 1950, ở phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa). Bà kể, năm 1969, khi làm cán bộ giao liên tại Phòng tình báo A26 Bộ tham mưu B2, trong lần đem tài liệu giao cho cơ sở ở Sài Gòn thì bị địch bắt, giam ở Tổng Nha cảnh sát, Nhà tù Thủ Đức rồi chuyển về Nhà lao Tân Hiệp. Địch dùng roi điện tra tấn, giật điện hòng ép khai cơ sở bí mật của ta nhưng không thể lay chuyển ý chí của người tù cộng sản.

Bà cùng đồng đội thường xuyên tổ chức tuyệt thực, chặn cửa cai ngục để đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ. Năm 1972, nữ chiến sĩ bị đày ra Côn Đảo, giam tại phòng 14, Trại IV cùng 100 tù chính trị. Bà và đồng đội tham gia quyết liệt “Chống chào cờ” địch, đấu tranh đòi thả tự do, đòi cải thiện bữa ăn…

Tháng 10/1973, nữ chiến sĩ được đưa ra sân bay Cỏ Ống (Côn Đảo) trả tự do, rồi sau đó, tiếp tục nhận nhiệm vụ tại đơn vị A34 Bộ tham mưu B2 cho đến ngày giải phóng năm 1975 và được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Ba.

Theo baobariavungtau.com.vn
https://baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/202307/song-sat-khong-giam-giu-duoc-tam-hon-bai-3-nhung-co-gai-doi-muoi-thoi-do-984787/
Copy Link
https://baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/202307/song-sat-khong-giam-giu-duoc-tam-hon-bai-3-nhung-co-gai-doi-muoi-thoi-do-984787/

    Nổi bật

        Mới nhất
        Song sắt không thể cầm tù tâm hồn (bài 3): Những cô gái đôi mươi thời đó...
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO