Song sắt không thể cầm tù tâm hồn (bài 1): Người nữ tù và bản Di chúc của Bác
Những cựu tù Côn Đảo - chuyện về họ sẽ không bao giờ có thể kể hết. Hôm nay, có người còn đây, có người đã đi xa, nhưng quãng thời gian đấu tranh trong “địa ngục trần gian“ với chính họ và với nhân dân Việt Nam mãi là kết tinh những gì đẹp đẽ nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm ngời lên chân lý: song sắt có thể cầm tù một thể xác, nhưng không thể giam hãm một tâm hồn, một lý tưởng...
Ngày chủ nhật nóng nực, tôi đang làm việc trên máy tính thì chuông điện thoại reo vang:
-Yên ơi, chị Quân, Lê Hồng Quân đây! Em có thể chạy ra văn phòng Hội nhận giùm chị số sách cháu chị vừa mang tới được không?
- Dạ, đương nhiên rồi chị.
Tôi nghe tiếng bà Quân đã lâu. Bà là hội viên sáng lập, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ năm 1987 tới năm 1993, thời mà tôi còn chưa tham gia sinh hoạt hội. Tiếng tăm về một vị Phó Chủ tịch từng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng anh hùng, từng tự chặt cánh tay bị thương trong trận đánh Mậu Thân, là cựu tù Côn Đảo, người thương bệnh binh suốt mấy mươi năm đi tìm danh phận cho đồng đội ấy gây tò mò với tất cả, đâu chỉ riêng tôi.
Một ngày tháng năm trong chuồng Cọp…
Tôi không có nhiều cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với bà Quân nhưng lại nhớ rất rõ những lần gặp bà.
Lần đầu tiên là vào năm 2018. Hôm ấy, khi ra Văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật tại 23 Huỳnh Khương Ninh, tôi thấy hai người phụ nữ, một già một trẻ đang đứng trước cửa đợi. Họ nói muốn gặp nhà thơ Lê Huy Mậu, khi ấy đang là Chủ tịch Hội. Chẳng hiểu sao chỉ mới nhìn thấy cánh tay cụt, cặp mắt bên mờ đục, bên sáng hơi khác thường, chiếc áo khoác đã sờn, nghe giọng nói nhẹ mà sắc rất có uy của người phụ nữ lớn tuổi, tôi đã đoán ngay đó là bà Quân. Tôi mở cửa, mời hai người vào, pha nước trà, ngồi tiếp chuyện.
Nhà thơ Lê Huy Mậu lật đật tới. Tôi chưa từng thấy ông vồn vã, ân cần với ai như thế.
Có rất nhiều chuyện muốn hỏi nhưng vì ngay chiều đó bà phải về Sài Gòn nên chúng tôi vào chuyện chính. Bà Quân muốn in một tập thơ. Bà đưa cho tôi tập bản thảo. Hơn năm chục bài thơ của bà được làm từ “Thời niên thiếu”, tới khi “Chìm nổi giữa dòng đời”.
Bà chia sẻ chân thành: Thơ chị chủ yếu để tuyên truyền cách mạng nên lời ý thô sơ, vụng về. Chị cần một người chuyên nghiệp sắp xếp, biên tập, góp ý, chỉnh sửa giúp chị.
Hầu như bài nào bà cũng phải ngừng lại giải thích nguyên nhân, hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Những bài như “Nước mắt chảy ngược”, “Tiếng thầm”, kể chuyện bà và má (Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Xuân) bị địch bắt và khảo tra trước mặt nhau, lòng vô cùng đau đớn nhưng vẫn phải nuốt nước mắt vào trong, không nhận nhau. Rồi những bài “Tiếng hát giữa phòng tra”, “Người chiến sĩ trẻ”, viết về những giây phút cuối cùng kiên cường, bất khuất của liệt sĩ trẻ Nguyễn Văn Quang, người đồng đội, thiếu niên trinh sát mới 15 tuổi ấy đã anh dũng hy sinh sau khi bị địch tra tấn dã man lên các vết thương, hòng bắt em khai nhận chị. Bà Quân không nén được xúc động, vừa giải thích, bà vừa khóc.
Khi dìu bà xuống lầu, thấy bà vẫn băn khoăn về chuyện thơ, tôi khẽ thuyết phục:
- Cái vốn sống nghiệt ngã, những trải nghiệm thực tế đau thương ác liệt hào hùng của chị và đồng đội nếu được chính chị viết ra sẽ hấp dẫn, đáng tin hơn các tác phẩm của những nhà văn chuyên nghiệp viết theo trí tưởng tượng hoặc lời kể của người khác rất nhiều!
Bà Quân dùng cánh tay còn lại nhẹ ôm lấy vai tôi, xúc động:
- Nhiều người cũng đã khuyên chị như thế. Chị cũng muốn viết để kể lại cho các bạn trẻ bây giờ biết và hiểu về thực tế ác liệt của chiến tranh, tinh thần đấu tranh bất khuất, ý chí kiên cường, lý tưởng cách mạng cao đẹp của quân dân ta. Có điều chị vẫn còn nhiều việc chưa làm quá. Vẫn còn bao anh em, đồng đội của chị chưa được Nhà nước ghi công, không có tên trong hồ sơ liệt sĩ. Chị phải cố để họ không phải chết hai lần em ạ!
Lần thứ hai tôi gặp bà là khi bà mang quà Tết xuống Vũng Tàu cho các cháu con của đồng đội cũ, tiện mang cả quà cho mấy anh chị em văn phòng.
Bao nhiêu năm trời bà một thân một mình, khấp khểnh đi tìm pháp nhân, lo hoàn thiện hồ sơ cho đồng đội. Nếu không nhờ sự kiên trì, cố gắng của bà thì làm sao hàng trăm cán bộ chiến sĩ trong tiểu đoàn Lê Thị Riêng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng huân huy chương kháng chiến chống Mỹ, được nhận chế độ theo quy định 290, 140.
Cuối cùng, tập thơ “Nước mắt chảy ngược” của bà cũng ra đời. Vừa in xong bà gửi ngay về Hội 50 cuốn. Khi bà gọi điện về, tôi chúc mừng bà và hỏi thêm về chuyện xuất bản. Bà bảo: Anh em bạn tù thương ủng hộ tiền in và đăng ký mua để làm kỷ niệm nhiều. Dù gì chị cũng chỉ in có một lần này thôi!
Nhiệm vụ thiêng liêng
Lần thứ ba tôi gặp bà trong lễ tổng kết năm tại khách sạn. Bà mang sách ra ký tặng cả bạn bè quen biết cũ lẫn các hội viên mới. Bà viết trong lời mở đầu tập thơ:“Tôi không đủ sức diễn đạt, phản ánh hào khí của nhân dân, đồng đội đã đạp pháo, đội bom chiến đấu trên chiến trường đạn lửa; ý chí của những chiến sĩ thắng khảo tra, lưu đày nghiệt ngã trong tù ngục Mỹ - Nguỵ, những tấm lòng người nội đô kiên cường đối mặt trước họng súng lưỡi lê của kẻ thù. Mong được bạn đọc cảm thông, chia sẻ cùng ngược về quá khứ để thiết tha với hiện tại và ra sức vươn tới tương lai, góp phần bảo vệ và xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng to đẹp hơn như lời Bác Hồ dạy”.
Do số sách bà mang xuống Vũng Tàu không đủ chia cho những người dự họp hôm đó nên tôi chạy về Hội, lấy ra thêm chục cuốn nữa. Bà cảm ơn mãi còn nói sẽ in thêm để bù lại. Thế nên khi nhận thùng sách bà gửi, tôi chắc mẩm, đó là số sách thơ đợt trước nên không mở ra ngay. Mãi khi vác thùng sách lên kho, khui ra, tính xếp vào chồng thơ cũ của bà, tôi mới giật mình: Là sách mới của bà, là một cuốn văn xuôi. Cuốn sách có tên “Một ngày tháng năm trong Chuồng Cọp” do nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép, in quý I năm 2020. Tôi dành luôn hai tiếng để ngấu nghiến hết cuốn sách chỉ có vỏn vẹn bốn truyện ký đó. Những câu chuyện người thực, việc thực được kể lại với giọng văn dung dị, chân thực của chính bà đã khiến tôi xúc động. Và ấn tượng nhất chính là câu chuyện được lấy làm tiêu đề cho cả cuốn sách: “Một ngày tháng năm trong chuồng Cọp”.
Chúng ta ai đã từng một lần ra Côn Đảo, đến thăm quan khu Chuồng Cọp đều biết; Nếu nhà tù Côn Đảo là “địa ngục trần gian” thì Chuồng Cọp là địa ngục của địa ngục. Đây là nơi giam cầm và tra tấn tù nhân dã man nhất trong hệ thống nhà tù cả nước. Hàng trăm, hàng ngàn tù nhân đã bị hành hạ cho đến chết tại đây. Và bà Quân với “thành tích” đấu tranh chống ly khai quyết liệt tại nhà tù Thủ Đức, Chí Hòa, chỉ sau 2 tuần bị đày ra Côn Đảo, đã bị lôi đi khắp mọi hầm giam của khu Chuồng Cọp. Sức khỏe của bà khi ấy rất yếu. Hậu quả của những trận đòn tra tấn dã man khiến thân thể đầy thương tích, nuốt cơm vào là nôn ra máu, suốt ngày quằn quại trong những cơn đau, mắt mũi, cổ họng dạ dày đều lở loét. Lúc đau đớn quá, bà đã từng nghĩ “...chắc mình sẽ sớm ra Hàng Dương và vĩnh viễn ở đó với đồng đội Côn Đảo”.
Thế nhưng tổ chức, đoàn thể do biết rõ và tin tưởng ở khả năng, ý chí của bà nên ngay lúc đó đã giao cho bà một nhiệm vụ quan trọng; giữ và truyền lại di chúc của Bác Hồ. Bản di chúc thiêng liêng được ghi tốc ký trên một tờ giấy nhỏ, cho vào ruột một vắt cơm nhỏ để khi bị giặc truy tìm đột xuất có thể cho vào miệng nhai và nuốt chửng với lời nhắn gửi nội bộ trước đó “Dì Mười Vàng sẽ kể cho tôi nghe chuyện của bố già (Bác) để khi vui tôi kể lại cho chị em tù cùng nghe”. Niềm tin của tập thể đã nâng cao ý chí của bà. Bà quyết không thể để kẻ địch hủy hoại bất kể thể xác hay tinh thần. Bà phải sống để hoàn thành trách nhiệm cao đẹp được giao.
Trong một thời gian rất ngắn, bà đã học thuộc bản di chúc, sau đó mỗi khi bị chuyển đến hầm giam mới, có điều kiện là bà lại truyền dạy lại bản di chúc của Bác. Ngày 19/5/1970 ấy, bà Quân đang bị giam ở Hầm Đá cùng với 13 chị em khác. Các chị em đã lên chương trình tổ chức lễ Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Bác một cách trang trọng nhất. Các chị đã cùng nhau hát, tiếng hát từ trái tim kính yêu hướng về Đảng về Bác “Hôm nay trên đường hành quân ra mặt trận. Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác, nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên người…”. Các chị kể những câu chuyện về Bác từ thời thơ ấu, giai đoạn bôn ba hải ngoại, cho đến thời gian Bác bị đày ải trong tù.
Trong không khí tràn ngập tình yêu kính, sự tiếc thương, lòng cảm phục đó, bà Quân đã đọc nguyên văn bản di chúc của Bác. Các chị em nữ tù Hầm Đá lặng đi ngạc nhiên và xúc động. Nhiều người băn khoăn không hiểu sao bà lại có thể có được bản di chúc quý giá đó nhưng những câu văn sâu sắc, giản dị, đầy tính nhân ái trong di chúc của Bác đã khiến các chị không nghi ngờ gì.
Các chị vừa canh gác vừa nhanh chóng học tập và thảo luận kỹ bản di chúc. Ngay chiều tối hôm đó, bọn địch đàn áp tù, khủng bố 19/5. Các chị em nữ tù đã đứng lên chủ động chia lửa với tập thể nam tù, quyết liệt chống trả sự đàn áp dã man của địch, nhích lại gần nhau, hình thành thế trận liên kết các trại với nhau trong đấu tranh.
Bà Quân không kể trong chuyện nhưng tôi thấy bản thân mình cần phải nói thêm rằng; một phần nhờ có bản di chúc và buổi lễ học tập làm theo gương Bác ngày 19/5/1970 đó mà các chị em nữ tù Chuồng Cọp đã trở thành ngọn cờ hiệu triệu dũng cảm nhất, kiên quyết nhất khiến cho địch muôn phần khiếp sợ, góp phần nâng cao tinh thần đấu tranh cho toàn thể tù nhân trên đảo. Và rồi chỉ gần một tuần sau, ngày 25/5/1970, khi địch buộc phải thả 5 học sinh, sinh viên đang bị giam tại Chuồng cọp là: Cao Nguyên Lợi, Nguyễn Minh Trí, Trần Văn Long, Nguyễn Thanh Tòng và Nguyễn Tuấn Kiệt ra, các anh đã làm tường trình chi tiết tố cáo tội ác tàn bạo của chế độ Nhà tù Côn Đảo.
Sau khi đoàn nghị sĩ và nhà báo Mỹ tìm ra khu biệt giam khủng khiếp này, những thông tin về nó được đăng tải trên các tờ báo lớn đã làm chấn động dư luận toàn thế giới, gây ra một làn sóng phản đối rộng lớn. Làn sóng đó dẫn đến việc chính quyền Sài Gòn phải cho phá bỏ toàn bộ hệ thống Chuồng Cọp cũ, chuyển 480 tù nhân đang bị giam giữ ra ngoài. Đây là một chiến công không hề nhỏ của tập thể tù chính trị Côn Đảo.