“Sợi chỉ đỏ” kết nối tình đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn| 08/04/2022 10:01

Năm nay vừa tròn 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 10 năm là một khoảng thời gian không quá dài nhưng chúng ta cũng đủ cảm nhận về niềm tự hào, những kết quả đạt được khi di sản đặc biệt quan trọng của quốc gia được thế giới vinh danh.

ADQuảng cáo

Biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng

Trong lòng mỗi người dân Việt Nam, lễ hội Đền Hùng là thời khắc linh thiêng để chúng ta cảm nhận sâu sắc nhất về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, giá trị đoàn kết mà cha ông ta đã để lại, tinh thần sức mạnh chung cho cả đất nước, giúp dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi khó khăn. Có lẽ hiếm có một dân tộc nào trên thế giới, tổ tiên chung lại có ý nghĩa lớn lao và được thực hành một cách kính cẩn, trang trọng đến như vậy.

Văn hóa người Việt được đặc trưng bởi tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và sự thăng hoa của tín ngưỡng ấy ở tầm quốc gia chính là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Không phải ngẫu nhiên mà trước khi về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân ở Đền Hùng và nói một câu truyền cảm hứng cho cả dân tộc về lòng yêu nước và trách nhiệm với đất nước: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời hiệu triệu từ con tim ấy cùng với nghĩa đồng bào được vang lên từ buổi đọc Tuyên ngôn Độc lập của Bác “Tôi nói đồng bào nghe rõ không” chính là thông điệp quan trọng để tạo nên tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của mỗi người dân đất Việt.

Ảnh tư liệu

ADQuảng cáo

Trong hồ sơ đệ trình UNESCO của chúng ta ghi rõ: “Bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia tộc, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có từ xa xưa đã trở thành một bản sắc văn hóa của cộng đồng với triết lý “Con người có tổ có tông”. Thờ cúng Hùng Vương có một tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, khẳng định người Việt có chung một thủy tổ, nguồn gốc đó là “sợi chỉ đỏ” tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng thủy tổ của dân tộc - đất nước trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm với gia đình, làng xã và đất nước”.

Tiếp tục lưu giữ và phát huy giá trị

Đến thời điểm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được ghi danh, chưa có bất kỳ một hồ sơ tương tự về tín ngưỡng thờ tổ tiên chung của cả một đất nước được UNESCO lựa chọn đưa vào danh mục di sản của mình. Vì thế, để nhấn mạnh đến tính riêng có, độc đáo và cũng là để trở thành một ví dụ toàn cầu về tinh thần yêu nước, đoàn kết, hồ sơ của chúng ta đã ghi rõ: “Người Việt coi Hùng Vương là thủy tổ của dân tộc. Thờ cúng Hùng Vương là truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt, nhưng cũng là truyền thống của nhiều tộc người ở Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ khiến người dân ở tỉnh Phú Thọ, cả nước Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế nhận thức sâu sắc thêm về sức sống của triết lý hướng về cội nguồn trong cuộc sống tinh thần của các cộng đồng địa phương. Việc ghi danh cũng sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng thờ cúng Hùng Vương ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế ở các làng, xã, không chỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ở núi Nghĩa Lĩnh”.

Sau 10 năm được ghi danh, đánh giá lại nỗ lực của chúng ta trong việc tôn vinh giá trị tổ tiên - dân tộc mình, chúng ta nhận thấy rằng, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các bộ, ban, ngành để thực hiện thành công rất nhiều việc. Tất cả giúp cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào việc giữ gìn và phát huy tốt nhất giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói chung, lễ hội Đền Hùng nói riêng trong đời sống xã hội đương đại và cả tương lai.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Sợi chỉ đỏ” kết nối tình đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO