Để góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, Tỉnh đoàn Kon Tum đã tiến hành số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ trên địa bàn. Qua đó, giúp người dân và du khách dễ dàng tìm hiểu lịch sử, thêm nhiều tư liệu để hiểu hơn về ý nghĩa, giá trị của các di tích, địa chỉ đỏ trên địa bàn.
Trao công trình “số hóa địa chỉ đỏ” tại Ðiểm cao 601, huyện Ðăk Hà, tỉnh Kon Tum. |
Trong những năm gần đây, Tỉnh đoàn Kon Tum liên tục triển khai nhiều công trình “số hóa địa chỉ đỏ” thông qua các hoạt động, như phát động phong trào thiếu nhi Kon Tum thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, hành trình về nguồn, các chiến dịch thanh niên tình nguyện, hoạt động trồng cây xanh tại địa chỉ đỏ...; qua đó, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia.
Nhiều di tích lịch sử, các địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được các cấp bộ đoàn triển khai số hóa nhằm giúp đoàn viên, thanh niên, người dân, du khách dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu. Công trình “số hóa địa chỉ đỏ” tại Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Ngục Kon Tum được Tỉnh đoàn, Hội đồng Ðội tỉnh Kon Tum trao tặng cho Hội đồng Ðội thành phố Kon Tum.
Công trình nhằm góp phần giáo dục thiếu nhi về truyền thống, giá trị nhân văn và sự hy sinh của các thế hệ cha ông qua các thời kỳ kháng chiến và kiến quốc của dân tộc; đồng thời, tạo sự thuận tiện cho du khách trong việc nắm bắt những thông tin lịch sử khi đến với khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia này.
Chỉ với vài thao tác quét mã QR qua điện thoại, nhiều thông tin về Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Ngục Kon Tum đã hiển thị trên màn hình của du khách: Lịch sử Kon Tum đã ghi nhận một sự kiện gây chấn động đối với thực dân Pháp ngay tại Kon Tum và trên toàn cõi Ðông Dương; đó là Cuộc đấu tranh đẫm máu giữa những người tù chính trị với bọn thực dân, tay sai diễn ra trong hai ngày (12 và 16/12/1931) tại Nhà ngục Kon Tum, khiến 15 đồng chí hy sinh và 16 đồng chí bị thương.
Sự kiện này xuất phát từ việc “phản đối đi Ðăk Pét” của những người tù chính trị; khi thực dân Pháp ở Kon Tum lần thứ 2 đã bắt ép những người tù chính trị lên công trường Ðăk Pét - nơi mà các đồng chí Ngô Ðức Ðệ, Lê Văn Hiến đã ví như “địa ngục trần gian”.
Anh Nguyễn Hoàng Nam, đoàn viên thanh niên huyện Kon Rẫy chia sẻ: “Chỉ cần quét mã QR, tôi nhận được đầy đủ thông tin, hình ảnh về Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Ngục Kon Tum. Ðiều này giúp tôi có những trải nghiệm tốt hơn, dễ dàng tìm hiểu về giá trị lịch sử của khu di tích hơn, dù không có người thuyết minh”.
Không chỉ Khu di tích Ngục Kon Tum, hàng loạt các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đã được các cấp bộ đoàn triển khai số hóa trong thời gian qua, tiêu biểu như Khu di tích lịch sử Tượng đài Chiến thắng Ðăk Tô-Tân Cảnh (huyện Ðăk Tô), Ðiểm cao 601 (huyện Ðăk Hà), Khu Di tích lịch sử Chiến thắng Plei Kần (xã Ðăk Xú, huyện Ngọc Hồi), Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum tại xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), Di tích lịch sử cấp quốc gia Ngục Ðăk Glei.
Anh Nguyễn Ðình Quý, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thật bất ngờ khi đến thăm Di tích lịch sử cấp quốc gia Ngục Ðăk Glei, bởi nơi đây từng giam cầm nhà cách mạng, nhà thơ Tố Hữu. Không cần hướng dẫn viên giới thiệu, chỉ nhờ quét mã QR, tôi rất thuận lợi trong việc nghiên cứu, có nhiều thời gian hơn để nghiền ngẫm, tìm hiểu về lịch sử của Khu di tích. Qua đó, tôi hiểu rõ hơn tinh thần, ý chí kiên trung và sự gian khổ, hy sinh của các thế hệ cha anh”.
Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn Kon Tum tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng các công trình “số hóa địa chỉ đỏ” các khu di tích lịch sử cách mạng, điểm du lịch trên toàn tỉnh; đồng thời tích hợp các nội dung trên vào Bảo tàng số của tuổi trẻ Việt Nam, giúp đoàn viên, thanh niên có thể truy cập, tìm hiểu những thông tin, dữ liệu, hiện vật lịch sử. Ðây thật sự là hoạt động ý nghĩa của tuổi trẻ tỉnh Kon Tum góp phần tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương và thúc đẩy chuyển đổi số.