Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (PRIO) ở Na Uy, số cuộc xung đột vũ trang trong năm 2023 đã ở mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh thế giới 2 kết thúc.
Nghiên cứu của PRIO công bố ngày 10/6 cho thấy trong năm ngoái có 59 cuộc xung đột, trong đó có 28 cuộc xung đột ở châu Phi, châu Á (17), Trung Đông (10), châu Âu (3) và châu Mỹ (1). Tuy nhiên, số quốc gia xảy ra xung đột đã giảm từ 39 vào năm 2022 xuống còn 34 nước.
Số liệu do Đại học Uppsala của Thụy Điển thu thập từ các tổ chức phi chính phủ và quốc tế cho thấy số người thiệt mạng trong giao tranh cũng giảm một nửa xuống còn khoảng 122.000 người. Đây vẫn là con số cao thứ ba kể từ năm 1989.
Đáng chú ý, tổng số người thiệt mạng trong 3 năm qua cũng ở mức cao nhất trong tất cả các giai đoạn 3 năm của ba thập kỷ qua.
Nhà nghiên cứu Siri Aas Rustad của PRIO, đồng thời là tác giả chính của báo cáo về các xu hướng trong giai đoạn 1946-2023, nhận định bạo lực trên thế giới đang ở mức nghiêm trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Theo bà, các số liệu cho thấy bối cảnh xung đột ngày càng trở nên phức tạp, với ngày càng nhiều tác nhân xung đột hoạt động trong cùng một quốc gia.
Theo PRIO, một phần nguyên nhân dẫn tới gia tăng số lượng xung đột có thể là do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đẩy mạnh hoạt động ở châu Á, châu Phi và Trung Đông, và sự tham gia của ngày càng nhiều các chủ thể phi nhà nước như nhóm Hồi giáo cực đoan JNIM có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.
Bà Rustad cho rằng điều này gây khó khăn cho các nhóm viện trợ và tổ chức xã hội trong việc hỗ trợ cải thiện cuộc sống của người dân./.