Ngày 16/3, thông cáo báo chí của Cơ quan Thị trường Năng lượng (EMA) Singapore cho biết đã cấp phép cho Tập đoàn Keppel Energy của nước này có điều kiện để nhập khẩu 1 gigawatt (GW) điện từ Campuchia sang Singapore.
Singapore mong muốn nhập khẩu tới 4 GW điện carbon thấp đến năm 2035. Sự kiện này đánh dấu một “cột mốc quan trọng” để việc nhập khẩu điện từ Campuchia có thể bắt đầu sau năm 2030.
Điện nhập khẩu từ Campuchia truyền đến Singapore qua tuyến cáp ngầm dài hơn 1.000km và được khai thác từ năng lượng mặt trời, thủy điện, cũng có thể là năng lượng gió. Nguồn điện này sẽ được hỗ trợ bởi các hệ thống pin lưu trữ năng lượng pin hoặc thủy điện tích năng kiểu bơm tích lũy.
Đây là lần đầu tiên EMA chấp thuận có điều kiện để Keppel Energy được nhập khẩu điện quy mô lớn.
Dự án này, theo nguồn tin từ Keppel, sẽ bao gồm việc cải thiện cơ sở hạ tầng hiện có, xây dựng mới, cũng như việc lập kế hoạch và thực hiện bao gồm quy trình nhiều bước, kể cả đánh giá tác động môi trường…
EMA cho biết việc phê duyệt có điều kiện cho Keppel Energy đồng nghĩa dự án đã được đánh giá sơ bộ là khả thi về mặt kỹ thuật và thương mại.
Ngày 15/3, Keppel Energy đã ký Thỏa thuận Mua và Xuất khẩu điện dài hạn với Royal Group Power (RGP) của Campuchia. Theo thỏa thuận này, RGP cung cấp và xuất khẩu trong khi Keppel sẽ nhập khẩu điện “carbon thấp” quy mô tiện ích vào Singapore.
Phát biểu tại buổi lễ này, Bộ trưởng thứ hai Bộ Thương mại và Công nghiệp Tan See Leng cho biết quan hệ đối tác giữa Keppel và RGP thể hiện “lợi ích thương mại mạnh mẽ và khả năng tồn tại” của các dự án hợp tác phát triển năng lượng tái tạo cho thương mại điện xuyên biên giới.
Thỏa thuận mới này giữa Keppel và RGP xuất phát từ Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác năng lượng được hai nước ký kết hồi tháng 10/2022. Nhập khẩu điện thông qua lưới điện khu vực là một trong những phương pháp để khử carbon cho nguồn cung cấp năng lượng của Singapore.
EMA cho biết MoU cùng với việc chấp thuận có điều kiện nhập khẩu điện từ Campuchia, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hợp tác khu vực nhằm tăng cường an ninh năng lượng, tăng khả năng tiếp cận năng lượng sạch, đáng tin cậy, cũng như kích thích tăng trưởng kinh tế.
Đây cũng là những bước quan trọng hướng tới tầm nhìn về lưới điện ASEAN sau khi thực hiện Dự án Tích hợp Điện lực CHDCND Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore (LTMS-PIP) vào năm 2022. Theo đó, Singapore bắt đầu nhập khẩu năng lượng tái tạo từ Lào thông qua Thái Lan và Malaysia, sau khi hợp đồng mua bán điện 2 năm ban đầu được ký kết giữa Keppel Electric và công ty điện lực nhà nước của Lào là Electricite du Laos (EDL).
Singapore sẽ nhập khẩu tới 100 megawatt điện tái tạo từ thủy điện qua các kết nối hiện có, đánh dấu thương mại điện xuyên biên giới đa phương đầu tiên liên quan đến 4 quốc gia ASEAN./.