Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh (Nghị định sửa đổi).
Theo Bộ Tài chính, với tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa, Nghị quyết của Chính phủ về việc triển khai thí điểm là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về hoạt động của thị trường này. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định về xử phạt hành chính. Theo đó, cần thiết phải có quy định về hành vi, mức phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm có liên quan tại Nghị định của Chính phủ.
Căn cứ quy định về các nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tại dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm triển khai thị trường tài sản mã hóa, tham chiếu đến mô tả hành vi vi phạm, chế tài xử phạt đối với các hành vi có tính chất tương tự về chứng khoán, dự thảo sửa đổi nghị định dự kiến bổ sung 1 mục và 5 điều quy định xử phạt vi phạm hành chính về tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa.

Thứ nhất, quy định các vi phạm trong cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa. Xử phạt tổ chức cung cấp dịch vụ vi phạm các nghĩa vụ như: không xác minh danh tính nhà đầu tư, không lưu trữ hồ sơ giao dịch, vi phạm về cấp phép/điều chỉnh giấy phép, quảng cáo, không quản lý tách biệt tài sản khách hàng, không giám sát giao dịch, không đảm bảo tuân thủ đối tượng tham gia, cung cấp dịch vụ không qua tổ chức được cấp phép, không đảm bảo an ninh/an toàn hệ thống. Chế tài tham chiếu theo vi phạm nghiệp vụ chứng khoán.
Thứ hai, quy định vi phạm về tổ chức thị trường giao dịch tài sản mã hóa. Xử phạt hành vi tổ chức thị trường khi chưa được cấp phép, đưa tài sản mã hóa vào giao dịch khi chưa báo cáo. Chế tài tham chiếu theo vi phạm của Sở giao dịch chứng khoán.
Thứ ba, quy định vi phạm về báo cáo, công bố thông tin. Xử phạt báo cáo/công bố thông tin không đầy đủ, không hoặc chậm báo cáo/công bố, báo cáo/công bố sai lệch. Chế tài tham chiếu theo vi phạm công bố thông tin trên TTCK.
Thứ tư, quy định vi phạm về giao dịch trên thị trường tài sản mã hóa. Xử phạt trường hợp không mở tài khoản và chuyển tài sản mã hóa về lưu giữ/giao dịch tại tổ chức được cấp phép, sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch tài sản mã hóa, hoặc thao túng thị trường tài sản mã hóa. Chế tài tham chiếu theo hành vi giao dịch nội bộ, thao túng TTCK. Bổ sung giải thích từ ngữ về giao dịch nội bộ và thao túng thị trường tài sản mã hóa.
Thứ năm, quy định vi phạm về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa vi phạm các quy định này sẽ bị xử phạt theo Nghị định của Chính phủ về xử phạt trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng để đảm bảo tính thống nhất.
Dự thảo cũng đưa ra mô tả 5 hành vi được xem là “Thao túng thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam” gồm: (1) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục giao dịch tài sản mã hóa nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; (2) Thông đồng với nhau giao dịch tài sản mã hóa mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá tài sản mã hóa, cung cầu giả tạo;
(3) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh giao dịch tài sản mã hóa gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá tài sản mã hóa, thao túng giá tài sản mã hóa; (4) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại tài sản mã hóa, về tổ chức phát hành tài sản mã hóa nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại tài sản đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại tài sản đó; (5) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá tài sản mã hóa.
Về mức phạt, Bộ Tài chính đề xuất mức phạt cho hành vi thao túng thị trường tài sản mã hóa dao động từ 1,5-2 tỷ đồng. Nếu tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa vi phạm, họ có thể bị đình chỉ hoạt động này trong 3-5 tháng.
Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa có thể bị phạt 300 triệu đến 2 tỷ đồng cho những vi phạm như không xác minh danh tính nhà đầu tư, thông tin quảng cáo gây hiểu lầm, không tách biệt quản lý tài sản mã hóa của khách với tự doanh...
Với nhà đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất phạt 100-200 triệu đồng nếu họ không mở tài khoản và chuyển tài sản mã hóa đang sở hữu về lưu giữ, giao dịch tại các tổ chức được cơ quan này cấp phép.
Tài sản mã hóa là một loại tài sản số mà sử dụng công nghệ mã hóa hoặc công nghệ số có chức năng tương tự để xác thực với tài sản trong quá trình tạo lập, phát hành, lưu trữ, chuyển giao.
Cuối tháng 3, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về thí điểm phát hành, giao dịch tiền mã hóa, tài sản mã hóa. Trong đó, cơ quan này đề xuất cơ chế phối hợp với Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước trong quản lý với sàn giao dịch tiền mã hóa, tài sản mã hóa thí điểm.
Theo đại diện Bộ Tài chính, loại tài sản này phát triển không ngừng, phức tạp, tiềm ẩn rủi ro với nhà đầu tư và thị trường tài chính. Do đó, trong giai đoạn đầu thí điểm với quy mô hạn chế và được kiểm soát, việc cơ quan quản lý tham gia giám sát sẽ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Việc này cũng giúp họ có thời gian đưa ra chính sách phù hợp quản lý tiền mã hóa, tài sản mã hóa.
Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), tính đến cuối 2024, Việt Nam có khoảng 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa, nằm trong top 7 toàn cầu. Năm ngoái, Việt Nam nhận về hơn 105 tỷ USD tiền mã hóa, giảm so với mức 120 tỷ USD của 2023. Khoảng 20 sàn giao dịch loại tiền này hoạt động tại Việt Nam.
![]() | Thí điểm thị trường tài sản mã hóa là phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt NamBộ Tài chính cho rằng việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa là phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam nhằm tạo môi trường pháp lý linh hoạt thích ứng nhanh chóng với sự đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ quản lý giám sát của Nhà nước |