Sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Năm 2023, Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn FDI đáng kể từ Mỹ và châu Âu, đặc biệt trong các ngành có giá trị gia tăng cao như sản xuất, công nghệ và dược phẩm.
Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và quan hệ tốt đẹp với Mỹ đã làm tăng cường sự quan tâm và đầu tư từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực máy tính, điện tử, điện thoại.
Các chuyên gia của Savills Việt Nam đánh giá đây là tín hiệu tích cực cho sự phát triển kinh tế và hợp tác quốc tế của Việt Nam; đồng thời, đây cũng là minh chứng rõ ràng cho thấy sự nỗ lực của Việt Nam trong quá trình nâng cao vị thế trên chuỗi giá trị toàn cầu.
Vốn đầu tư đổ vào sản xuất, công nghệ cao
Theo thống kê của Savills Việt Nam, đến tháng 6/2023, đã có tổng cộng 2.508 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 28,91 tỷ USD.
Đây là một sự gia tăng đáng kể so với 18 tỷ USD từ 1.623 dự án vào năm 2016. Tốc độ tăng trưởng kép vốn đầu tư (CAGR) là 7%, trong khi tốc độ tăng trưởng số lượng dự án là 6%. Các quốc gia châu Âu đóng góp một phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua FDI.
Cụ thể, Hà Lan dẫn đầu với 427 dự án và tổng vốn đầu tư 14,1 tỷ USD, bằng 49% vốn đầu tư của Liên minh châu Âu vào Việt Nam.
Các nhà đầu tư Hà Lan bao gồm các tên tuổi lớn như FrieslandCampina, De Heus, Unilever, Philips, AkzoNobel, Shell và Damen. Các nhà cung cấp Hà Lan, như công ty sản xuất chip ASML Holding, đã thăm Việt Nam để đánh giá khả năng thành lập các cơ sở sản xuất mới ở Đông Nam Á.
Pháp giữ vị trí tiếp theo với 3,8 tỷ USD tổng vốn đầu tư; trong đó, Sanofi đã đầu tư mạnh mẽ trong ngành dược phẩm tại Việt Nam.
Đức và Đan Mạch cũng đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam, với việc thúc đẩy các dự án sản xuất và đầu tư lớn. LEGO đã đầu tư 1 tỷ USD vào nhà máy sản xuất đồ chơi tại Việt Nam, mở đầu cho sự gia tăng đầu tư của các nhà sản xuất châu Âu khác vào thị trường này.
Ông John Campbell, Phó giám đốc, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam cho biết, năm 2023 có đến 3 thương vụ đội ngũ của Savills Việt Nam thực hiện với các doanh nghiệp đến từ Đức là Fuchs, farmas và J. Wagner.
Theo báo cáo Tiêu điểm ngành Công nghiệp Việt Nam năm 2023 do Savills công bố giữa tháng 10 vừa qua, Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán thêm 3 FTA khác. Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại hơn hầu hết các đối tác trong khu vực, điều này rất ấn tượng khi ASEAN được xem là một trong những khu vực hội nhập toàn cầu nhất. EVFTA, có hiệu lực từ năm 2020, đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia châu Âu.
Báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh quý 3/2023 của EuroCham cũng cho biết hơn hai năm sau khi được triển khai, Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đang tiếp tục có tác động tích cực mạnh mẽ đến bối cảnh kinh doanh của Việt Nam.
Hơn 60% doanh nghiệp cho rằng thỏa thuận này có lợi; trong đó, lợi ích hàng đầu là cắt giảm thuế, tiếp theo là khả năng cạnh tranh được cải thiện ở Việt Nam, giảm rào cản thương mại, mở rộng quan hệ đối tác với công ty địa phương và tăng khả năng tiệp cận thị trường Việt Nam.
Riêng với thị trường Mỹ, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden vừa qua cùng với việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp mối quan hệ hợp tác toàn diện, sự quan tâm của các nhà đầu tư đến từ thị trường này trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ gia tăng tích cực.
“Mặc dù sự kiện này mới chỉ diễn ra cách đây khoảng 1 tháng và đòi hỏi thời gian mới có thể thấy được những tác động rõ rệt, nhưng trong thời điểm vừa qua, bộ phận dịch vụ bất động sản Savills Việt Nam đã gặp rất nhiều nhà đầu tư Mỹ đến thăm các dự án tại Việt Nam; trong đó, có các ngành sản xuất, chế tạo và công nghệ điện tử chiếm đa số,” ông John Campbell chia sẻ.
Đặc biệt, ông John Campbell cho biết, tháng 9/2023 cũng là thời điểm Apple công bố đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Cùng với đó, Google cũng cho biết Việt Nam nằm trong danh sách các thị trường tiềm năng được công ty này cân nhắc đầu tư tại Đông Nam Á trong thời gian tới.
Nâng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu
Theo nghiên cứu của Savills, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2022, sự tăng đột ngột trong doanh số xuất khẩu điện tử và điện thoại hoàn toàn phản ánh quá trình nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị như một nền kinh tế xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Cụ thể, giá trị xuất khẩu của các sản phẩm điện tử, điện thoại và máy móc tăng trong giai đoạn này lần lượt là 193%, 68% và 336%.
Xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đứng thứ 3 trong nhóm tỷ USD. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Việt Nam đã nỗ lực vươn lên trên chuỗi giá trị trong nhiều năm và đã được đền đáp trong những năm gần đây với cơ hội mang lại từ Chiến tranh Thương mại Mỹ-Trung năm 2018. Cùng với đó, đại dịch COVID-19 trong các năm 2020-2022 đã đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa và tái lập nhà máy của các nhà sản xuất điện tử đa quốc gia ra bên ngoài Trung Quốc đến Đông Nam Á.
“Về bản chất, mục tiêu của Việt Nam không phải trở thành thị trường thay thế của Trung Quốc trên bản đồ sản xuất thế giới. Việt Nam đang tập trung thu hút những khoản đầu tư có giá trị gia tăng cao này bằng cách cải thiện lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các ngành công nghiệp hỗ trợ. Không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của việc chuyển giao công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình phát triển chuỗi giá trị của Việt Nam, đặc biệt là liên quan đến nâng cao trình độ của lực lượng lao động,” ông John Campbell phân tích.
Những nỗ lực này đã được không ít nhà đầu tư lớn công nhận và đưa Việt Nam vào kế hoạch phát triển trong tương lai của họ. J.P Morgan ước tính đến năm 2025, Apple sẽ chuyển 65% tỷ lệ sản xuất AirPod, 20% iPad, 20% Apple Watch và 5% MacBook sang Việt Nam.
Đến năm 2025, Intel cũng đang mở rộng giai đoạn thứ hai của nhà máy kiểm định vi mạch tại Tp.Hồ Chí Minh với khoản đầu tư lớn lên tới 4 tỷ USD. Các công ty Mỹ khác như Boeing, Google và Walmart đã công bố kế hoạch mở rộng mạng lưới nhà cung cấp và cơ sở sản xuất tại Việt Nam sau khi nghiên cứu thị trường.
Tương tự, Chỉ số Niềm tin Kinh doanh được thực hiện hàng quý của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy xu hướng tăng trở lại trong trong quý 3/2023, đem tới tia hy vọng cho môi trường kinh doanh của Việt Nam sau một năm đầy biến động.
Chỉ số niềm tin trong quý 3/2023 đã tăng lên 45,1 điểm từ mức 43,5 điểm của quý trước. Mặc dù con số vẫn ở mức dưới 50 điểm trong 4 quý liên tiếp, mức tăng nhỏ này đã cho thấy một dấu hiệu tích cực trong nền kinh tế.
Theo EuroCham, sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn mạnh mẽ. Có tới 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào Top 10 điểm đến FDI hàng đầu.
Đáng chú ý, 31% xếp Việt Nam vào Top 3; trong đó, con số ấn tượng là 16% ca ngợi Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu. Để củng cố hơn niềm tin này, hơn một nửa số người được khảo sát dự đoán sẽ tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam khi năm 2023 gần kết thúc.
“Gần một phần ba thành viên của chúng tôi xếp hạng Việt Nam là một trong ba địa điểm đầu tư hàng đầu gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về niềm tin của chúng tôi vào mối quan hệ hợp tác này,” Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit bình luận về Chỉ số Niềm tin Kinh doanh quý 3/2023.
Tuy nhiên, ông Gabor Fluit cũng lưu ý rằng mặc dù chúng tôi nhận thấy tốc độ tăng trưởng GDP và FDI trong quý 3 đầy hứa hẹn nhưng các vấn đề vẫn tồn tại - đặc biệt đối với xuất khẩu và bất động sản. Để đạt được tiến bộ, giải quyết các gánh nặng hành chính, quy định không rõ ràng và các rào cản về cấp phép là rất quan trọng.
Tương tự, ông John Campbell cũng khuyến nghị để thu hút các công ty lớn hàng đầu thế giới này, nhà phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam nên tập trung vào các dịch vụ giá trị gia tăng và các ưu đãi ngoài giá cả và giá thuê như dịch vụ gia nhập thị trường, hỗ trợ nhân sự và pháp lý, dịch vụ quản lý, sáng kiến bền vững và làm việc với các cơ quan bất động sản công nghiệp chuyên nghiệp./.