Việt Nam vươn lên là nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết hiện sầu riêng của Việt Nam đang "một mình một chợ" nên giá tiếp tục tăng vọt, đặc biệt là thời điểm nghịch vụ, sản lượng ít. Một số thời điểm cần hàng, chủ vựa sẵn sàng mua sầu riêng Monthong loại A với giá 200.000 đồng/kg.
Ngày 19/11, theo ghi nhận, giá sầu riêng tại các vựa thu mua ở ĐBSCL cao ngất ngưởng, sầu riêng loại hàng ngon, hàng A đều cao gấp đôi so với hàng chính vụ. Sầu riêng loại B giá thấp hơn 20.000 đồng/kg và loại C thấp hơn 40.000 đồng/kg so với hàng loại A.
Cụ thể: Giá sầu riêng hôm nay 19/11/2024 ghi nhận tăng thêm ít nhất 10.000 đồng/kg, ở tất cả chủng loại sầu riêng so với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá cao nhất ở miền Tây Nam bộ và ở Tây Nguyên. Sầu riêng Ri6 hàng đẹp đứng ở mức cao nhất là 140.000 đồng/kg so với hồi tháng 7 là 65.000 đồng/kg. Giá sầu riêng Thái tại khu vực miền Tây Nam bộ đứng mức cao nhất là 185.000 đồng/kg so với mức 95.000 đồng/kg hồi tháng 7.
Theo khu vực, giá sầu riêng hôm nay tại khu vực miền Tây Nam bộ: Chủng sầu riêng Ri6 đẹp và sầu riêng Ri6 xô đạt 115.000 – 140.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 đẹp đứng ở mức 133.000-140.000 đồng/kg; sầu riêng Thái đẹp ở mức 182.000 – 185.000 đồng/kg; sầu riêng Thái xô ở mức 160.000 – 165.000 đồng/kg.
Giá sầu riêng hôm nay tại khu vực miền Đông Nam bộ: Giá sầu riêng Ri6 đẹp và sầu riêng Ri6 xô có mức giá thương lái thu mua 110.000 – 135.000 đồng/kg; sầu riêng Thái đẹp ở mức 175.000 -180.000 đồng/kg; trong khi đó sầu riêng Thái xô đứng ở mức 155.000 – 160.000 đồng/kg.
Giá sầu riêng hôm nay tại khu vực Tây Nguyên: Giá sầu riêng Ri6 đẹp và sầu riêng Ri6 xô ở mức giá thương lái mua 115.000 – 140.000 đồng/kg; sầu riêng Thái đẹp có mức 182.000 - 185.000 đồng/kg; trong khi đó sầu riêng Thái xô ở mức 160.000 – 165.000 đồng/kg.
Đến hết tháng 10, Việt Nam đã xuất khẩu được 6,16 tỷ USD rau quả, trong đó thị trường Trung Quốc gần 4,1 tỷ USD. Mặt hàng xuất khẩu ấn tượng nhất vẫn là sầu riêng với giá trị khoảng 2,9 tỷ USD. Đáng nói, “vua trái cây” lại bước vào mùa cả thế giới chỉ Việt Nam có nên giá đang tăng cao chót vót.
Mùa thu hoạch chính ở Tây Nguyên gần như đã kết thúc nên lượng sầu riêng xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều như các tháng giữa năm. Tuy nhiên, miền Tây lại bước vào mùa thu hoạch sầu riêng nghịch vụ.
Điều đáng nói, thời điểm này cả thế giới chỉ Việt Nam có sầu riêng thu hoạch nên gần như độc quyền, đặc biệt là ở thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, sản lượng sầu riêng vụ nghịch tại miền Tây năm nay sụt giảm đã đẩy giá mặt hàng này tăng mạnh, lên mức cao chót vót, Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay.
Việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc đang được các doanh nghiệp Việt Nam lên kế hoạch, với việc xin cấp mã số vùng trồng đang diễn ra. Tuy nhiên, do giá sầu riêng tươi hiện ở mức cao, các doanh nghiệp ưu tiên xuất khẩu hàng nguyên trái thay vì đưa vào cấp đông.
Thông tin từ Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 10, sản lượng sầu riêng đã thu hoạch của cả nước ước khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng tháng 10/2024, sản lượng thu hoạch đạt 154.200 tấn, giảm 15% so với tháng 9.
Thị trường xuất khẩu vẫn còn nhiều dư địa, nhất là dịp cuối năm nhưng với giá thu mua hiện nay, các đơn vị xuất khẩu cho hay có thể giá sầu riêng đã chạm ngưỡng. Sự bùng nổ của sầu riêng tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy giá trị xuất khẩu rau quả năm nay có thể vượt mọi dự báo đạt kỷ lục mới với mức 7,5 tỷ USD.
Theo chia sẻ mới đây của ôngĐoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE:HAG), khoảng 26.000 gốc sầu riêng (tương đương diện tích trồng 200-300ha) tại Lào của công ty sẽ bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên vào cuối năm nay. Ông Đức dự kiến, mỗi cây sẽ cho từ 20 đến 30 quả, mỗi quả nặng từ 2-4kg, đưa tổng sản lượng đạt khoảng 2.000 tấn. Công ty kỳ vọng thu về hơn 200 tỷ đồng doanh thu từ vụ thu hoạch đầu tiên này.
Trước đó, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai từng cho biết sẽ thu hoạch từ 300-400ha sầu riêng trong năm 2024, bao gồm cả diện tích trồng tại Việt Nam và Lào, cao gấp 10 lần so với năm 2023. Bầu Đức nhận định, đến năm 2025, doanh thu từ sầu riêng trồng tại Lào có thể đạt mức cả nghìn tỷ đồng. Với quy mô vườn trồng lên đến 1.200ha tại Lào, Hoàng Anh Gia Lai hiện sở hữu nông trại sầu riêng lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Về đầu ra, ông Đức cho biết phần lớn sầu riêng của công ty được xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường đầy tiềm năng với nhu cầu tiêu thụ sầu riêng tăng trưởng mạnh trong hai năm trở lại đây. Ông cũng kỳ vọng sầu riêng sẽ tạo ra "bước ngoặt" quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai. Sầu riêng hiện đang được tập trung toàn lực và dần trở thành mảng chủ lực của Hoàng Anh Gia Lai.