Ông Phan Văn Diễn, chủ vườn sầu riêng ấp Đông Hòa, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy cũng như nhiều nhà vườn ở khu vực này hiện nay rất phấn khởi vì công trình xây dựng cống ngăn mặn Cây Còng (ven sông Tiền) đã hoàn thành. Đây là một trong số các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt do tỉnh Tiền Giang đầu tư xây dựng.
“Bây giờ làm cống dân phấn khởi lắm, đã khống chế nước mặn rồi. Cây trái, sầu riêng rất tốt, nước mặn không xâm nhập được, người dân ai cũng vui, tích cực chăm sóc. Năm nay nếu mặn có lên mà mình khống chế được rất khỏe. Mình đã có kinh nghiệm do bị mặn rồi, bây giờ nếu có mặn nữa thì mương vườn cứ trữ nước đầy hết” - ông Phan Văn Diễn nói.
Còn ông Nguyễn Văn Mười, nhà vườn trồng cây sầu riêng tại ấp Phú Long, xã Phú Phong, huyện Châu Thành cũng chung tâm trạng: “Làm vườn thì mặn ai cũng sợ, bây giờ làm cống hoàn thành làm sao giữ nước được thì quá tốt vì bơm tưới được dân khỏe. Làm cống ngon lành nước mặn không vô bà con yên tâm lắm. Làm vườn cây nào cũng vậy, nhưng cây sầu riêng nếu mặn trên 0.5 phần nghìn là cây chết rồi”.
Theo người dân trồng cây sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang, đợt hạn mặn khốc liệt năm 2016 do không có cống đập ngăn mặn tại các đầu kênh ven sông Tiền nên nước mặn xâm nhập sâu, lò rỉ làm chết rất nhiều vườn cây sầu riêng. Bởi loại cây đặc sản này nhiễm mặn hơn 0,5 phần nghìn là sẽ bị chết trắng. Thiệt hại đối với cây sầu riêng nặng nề hơn các loại cây ăn trái khác do giá trị kinh tế cao và trồng 5-6 năm mới cho trái.
Xác định vấn đề này, nên gần đây từ nguồn ngân sách của tỉnh và Trung ương hỗ trợ, trên 1.100 tỷ đồng, tỉnh Tiền Giang đã và đang xây dựng 7 cống ngăn mặn; trong đó có nhiều công trình có quy mô lớn đã hoàn thành, thực hiện chức năng ngăn mặn, trữ ngọt như: cống Phú Phong, cống Rạch Gầm (tại huyện Châu Thành).
Ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình nông nghiệp-PTNT tỉnh Tiền Giang- chủ đầu tư nhiều dự án ngăn mặn ven sông Tiền cho biết thêm: “6 cống này đến hết tháng 9 hoàn thành toàn bộ, hiện nay đã xong 5/6 cống, vượt tiến độ. Đến hết tháng 9/2023 chúng tôi nghiệm thu rồi. Nếu có hạn mặn xảy ra thì 6 cống này đảm bảo hết. Đến giờ coi như xong hết, đến tháng 10 sẽ vận hành, dù có hạn mặn vẫn ngăn mặn tốt".
Ngũ Hiệp là xã cù lao nằm giữa sông Tiền thuộc huyện Cai Lậy có mô hình trồng cây sầu riêng chuyên canh lâu năm nhất tỉnh Tiền Giang. Chủ động ứng phó với mặn năm nay có thể xâm nhập, chính quyền và người dân địa phương đã tích cực thực hiện các giải pháp công trình như: gia cố cống đập, nạo vét kênh mương trữ nước ngọt, khoan giếng dự phòng…
Ông Trình Văn Sỹ, nhà vườn trồng hơn 1 ha cây sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy chia sẻ: “Bây giờ chuẩn bị nước mặn thì vườn tôi thì đào ao, nạo vét hết rồi. Sà lan có sẵn rồi, chở nước ngọt về bơm vào. Chủ động hết, các ao của tôi chứa 50-700 m3 rồi, sử dụng khoảng 1 tháng đó. Địa phương thì xây cống đập khén kín, nói chung là tốt ưu hết”.
Tỉnh Tiền Giang có diện tích cây sầu riêng hơn 20.000 ha, lớn nhất vùng ĐBSCL, tập trung ở các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy và huyện Cái Bè. Gần đây, cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế rất cao (hơn 1 tỷ đồng/ha/năm). Do đó, công tác ngăn mặn, trữ ngọt để thích ứng với biến đối khí hậu, bảo vệ an toàn vườn cây đặc sản này rất được chính quyền và nhà vườn địa phương quan tâm.
Dù theo dự báo nước mặn năm nay có thể đến sớm và xâm nhập sâu nhưng nhà vườn trồng cây sầu riêng rất yên tâm vì ngoài sự chủ động của gia đình còn có hệ thống cống đập được xây dựng kiến cố như những “pháo đài” khá vững chắc để khống chế nước mặn xâm nhập.