Sầu riêng mất thị trường nếu chậm xử lý vàng ô, cadimi
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Văn Mười có những chia sẻ về rào cản trong xuất khẩu sầu riêng hiện nay, nhất là vấn đề tồn dư Cadimi và chất vàng ô.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của cadimi và chất vàng ô trong xuất khẩu sầu riêng hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Mười: Ảnh hưởng rất rõ ràng và nghiêm trọng. Trong quý I/2025, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam giảm 61% về sản lượng và 69% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất đang kiểm định 100% các lô hàng về cadimi và vàng ô, trong khi hệ thống kiểm soát của ta còn nhiều bất cập từ sản xuất đến xuất khẩu.
.jpg)
Không chỉ nhiều lô hàng bị ách lại do kiểm tra kéo dài, mà hàng bị trả về cũng gây thiệt hại lớn, kéo giá sầu riêng nội địa giảm mạnh, buộc nhiều nhà vườn phải bán lẻ với giá thấp.
Phóng viên: Trong khi chúng ta còn lúng túng, Thái Lan xử lý rất nhanh. Theo ông, họ đã làm gì để giải quyết hiệu quả vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Mười: Thái Lan làm rất bài bản, với hai lớp kiểm soát. Nông dân phải xét nghiệm sản phẩm tại vườn trước khi bán. Doanh nghiệp sau đó kiểm tra lại trước khi xuất khẩu. Nhờ đó, đến cửa khẩu, sản phẩm đã được kiểm duyệt kỹ.
.jpg)
Tuần trước, Thái Lan xuất 500 container, chỉ 2 container bị phát hiện vượt mức hóa chất tỷ lệ rất thấp, cho thấy cách làm trách nhiệm, đồng bộ.
Phóng viên: Theo ông, giải pháp cho tình trạng tồn dư hóa chất hiện nay là gì?
Ông Nguyễn Văn Mười: Trước hết, phải xác định rõ trách nhiệm người sản xuất. Hiện nay, nông dân hầu như không xét nghiệm đất, nước hay sản phẩm mình làm ra, ít tìm hiểu kỹ các loại phân, thuốc có chứa cadimi, vàng ô, sử dụng tùy tiện.

Khi sự cố xảy ra cũng không truy được nguyên nhân. Trong khi việc xét nghiệm rất đơn giản, chi phí chỉ 120.000 – 200.000 đồng/thành phần. Chúng ta cần quy định bắt buộc người trồng phải xét nghiệm sản phẩm trước thu hoạch; nếu không đạt, không được bán.

Doanh nghiệp khi thu mua cũng phải yêu cầu giấy chứng nhận kiểm nghiệm. Giấy này phải theo suốt lô hàng, bảo đảm nguồn gốc, chất lượng.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng sầu riêng để các địa phương có cơ sở quản lý, giám sát.
Phóng viên: Đâu là giải pháp căn cơ để ngành sầu riêng phát triển bền vững, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Mười: Muốn xuất khẩu bền vững phải có hành lang pháp lý và kiểm soát chất lượng từ gốc. Nhà nước cần hoàn thiện quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh sầu riêng.

Người trồng phải chịu trách nhiệm đến cùng về sản phẩm. Doanh nghiệp cần liên kết với nông dân, không thể mua đứt bán đoạn. Nhà nước cũng cần cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thêm thiết bị kiểm nghiệm, nhất là ở vùng nguyên liệu.
Đây là ngành hàng xuất khẩu tỷ USD, không thể thiếu hệ thống kiểm soát chất lượng. Chỉ khi từng mắt xích làm tốt phần việc của mình, ngành sầu riêng mới phát triển bền vững.
Phóng viên: Ông có đề xuất gì để Đắk Nông và Tây Nguyên sớm ổn định sản xuất, xuất khẩu?
Ông Nguyễn Văn Mười: Miền Tây đã thu hoạch nửa vụ, miền Đông mới bắt đầu, Tây Nguyên còn thời gian để điều chỉnh. Cần rà soát lại quá trình sản xuất, bảo quản sau thu hoạch để kịp thời xử lý.
Việc này không chỉ cho vụ mùa năm nay mà còn giúp chuyển đổi sang sản xuất an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật.

Nông dân phải tuân thủ quy trình, xét nghiệm định kỳ đất, nước, kiểm soát kỹ vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chứa cadimi, vàng ô.
Ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, sinh học, giảm vô cơ. Những việc này không phức tạp nhưng đòi hỏi người trồng thay đổi nhận thức thì mới đạt hiệu quả.
Cadimi là kim loại nặng độc hại, thường có trong đất, nước ô nhiễm, gây tổn thương thận, xương và là chất gây ung thư nhóm 1. Vàng ô là chất nhuộm công nghiệp có màu vàng tươi, bị cấm sử dụng trong thực phẩm. Cả hai chất này đều rất nguy hiểm nếu xâm nhập vào cơ thể qua ăn uống.