Thực hiện chậm
Theo kế hoạch được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt, trong năm 2020, toàn tỉnh hoàn thành cổ phần hóa 4 công ty. Trong đó, có 3 công ty hoạt động trong lĩnh vực lâm, nông nghiệp gồm Công ty TNHH MTV Cà phê Thuận An, Công ty TNHH MTV Nam Nung, Công ty Cà phê Đức Lập.
Sau đổi mới, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên làm ăn khấm khá, bảo vệ rừng tốt hơn. Ảnh: S.V |
Tuy nhiên, đến nay, tỉnh mới hoàn thành cổ phần hóa được Công ty TNHH MTV Cà phê Thuận An (bàn giao ngày 4/5/2020). Còn Công ty TNHH MTV Nam Nung và Công ty Cà phê Đức Lập vẫn chưa thực hiện.
Theo Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chưa hoàn thành cổ phần hóa các công ty. Trong đó, phần lớn xuất phát từ nội tại của các đơn vị.
Đơn cử như Công ty TNHH MTV Nam Nung còn vướng mắc về đất đai, tranh chấp tài sản đã cản trở mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa. Đối với lĩnh vực đất đai, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ về phương án sắp xếp, xử lý nhà đất, sử dụng đất, đơn vị quản lý chưa chặt chẽ, dẫn đến có sự sai lệch giữa diện tích được giao theo hồ sơ và diện tích thực tế quản lý, sử dụng.
Ngoài ra, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Nam Nung, hiện nay có 442 ha/1.121 ha cao su của đơn vị bị người dân địa phương lấn chiếm, chưa được xử lý dứt điểm.
Cũng nằm trong tình cảnh tương tự, Công ty Cà phê Đức Lập chưa thể cổ phần hóa theo lộ trình. Ông Phạm Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Cà phê Đức lập cho biết, công ty thuộc diện cổ phần hóa, Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối. Tuy nhiên, qua xác định giá trị doanh nghiệp, công ty bị âm vốn chủ sở hữu, nên không đủ điều kiện cổ phần hóa.
Còn đùn đẩy trách nhiệm
Tại cuộc họp nghe báo cáo khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, giải thể doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn vừa được UBND tỉnh tổ chức mới đây, nhiều phương án đã được đại diện các bên liên quan đề xuất.
Ông Đỗ Trường Thịnh, thành viên Hội đồng giải thể Công ty Lâm nông nghiệp Đức Lập phân trần: “Từ tháng 11/2018 đến nay, tài khoản công ty chúng tôi không có tiền. Mỗi cuộc họp liên quan như thế này, chúng tôi tự bỏ tiền lương để đi dự. Từ tờ giấy văn phòng phẩm, thuê máy tính làm phương án giải thể… cũng tự bỏ tiền túi. Tuy nhiên, những khó khăn này, chúng tôi khắc phục được".
Theo ông Thịnh, điều quan trọng nhất hiện nay là các thành viên trong Hội đồng giải thể phải cùng vào cuộc. "Nhiều lúc tôi thấy mỗi việc xác định tài sản trên đất mà lâu nay cứ “lăn” như quả bóng. Lúc giao cho Chi cục Bảo vệ thực vật, lúc qua sở Tài chính. Một vấn đề mà cứ quay đi quay lại cả mấy năm trời chưa giải quyết được”, ông Thịnh phàn nàn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trung Tính, Phó Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (Sở Nông nghiệp - PTNT), Tổ phó Tổ giúp việc Hội đồng giải thể các công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, cho rằng: “Trách nhiệm giải thể, cổ phần hóa là của tất cả chúng ta, không nên có ai đứng ngoài cuộc. Chứ lâu nay, nhiều lúc các sở, ngành cứ “khoán trắng” cho tổ giúp việc. Cùng một vấn đề cứ đá đi đá lại thì không thể hoàn thành được”.
Ông Tính nêu ví dụ, liên quan đến vốn tạo rừng tại các công ty, ban đầu giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Sau đó, các bên tham mưu thế nào rồi lại giao cho Sở Nông nghiệp-PTNT. Sở Nông nghiệp-PTNT nêu thêm lý do liên quan đến Sở Tài chính để đề nghị giao lại cho Sở Tài chính. Cuối cùng không biết lý do vì sao lại giao cho Sở Nông nghiệp-PTNT. "Làm việc mà kiểu đùn đẩy, né tránh trách nhiệm như thế này thì không bao giờ hiệu quả", ông Tính phát biểu.
Chủ động để từng bước "cứu mình"
Ngoài nâng cao trách nhiệm các bên liên quan, trong quá trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, giải thể doanh nghiệp, các đơn vị phải tìm cách để từng bước “cứu mình”.
Tại cuộc họp báo cáo khó khăn, vướng mắc vừa qua, liên quan đến vấn đề này, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho rằng: “Các công ty phải có phương án sản xuất, kinh doanh để duy trì hoạt động trong điều kiện thực tế hiện nay. Còn cứ bị động chờ ngân sách Nhà nước là rất khó”.
Kết luận về giải pháp trong thời gian tới, ông Trần Xuân Hải, UVTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Với quỹ đất hiện có như thế, chủ tịch, giám đốc các công ty bàn xem có phương án nào để phát triển hiệu quả hay không. Trong khi rất nhiều doanh nghiệp xin từng tý đất để phát triển nhiều dịch vụ trên đất như: điện gió, điện mặt trời, nông, lâm kết hợp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Có Nhà nước nào không phê duyệt cho các đơn vị làm thử đâu, mà tại sao cứ để đất hoang hóa tàn lụi như vậy. Cho nên, các công ty phải có phương án cụ thể để giải quyết từng vấn đề cụ thể, khi đó mới mong duy trì sản xuất, kinh doanh”.
Tỉnh Đắk Nông có 10 công ty được phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới. Riêng lĩnh vực lâm nghiệp có 7 đơn vị gồm: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Đại Thành, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa, Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk R’Măng. Tỉnh đã và đang cổ phần hóa 3 đơn vị gồm: Công ty TNHH MTV Cà phê Thuận An, Công ty Cà phê Đức Lập; Công ty TNHH MTV Nam Nung. |