Văn nghệ

Sang mùa

Việt Thu 07/04/2024 6:00

Ăn cơm tối xong, bố gọi tôi bưng bộ ấm chén ra thềm ngồi uống nước vối. Sau mấy tháng cao điểm mùa khô hanh hao, nóng nực, mấy ngày trước ông trời cho mưa nên không khí mát mẻ hẳn.

ADQuảng cáo

Dường như những bức bối, lo lắng cũng tan biến theo “cơn mưa vàng” cho mùa màng nên khuôn mặt bố mẹ tôi nhẹ nhõm hẳn. Vầng trán cau lại vì nắng hạn kéo dài đã giãn ra, ánh mắt cũng vui vẻ hơn.

Bố uống nước vối, “khà” một tiếng đầy sảng khoái:

- Bọn trẻ bây giờ cứ học theo mấy cái nước xanh xanh đỏ đỏ gì đâu, mặc ti vi, báo đài ra rả uống vào là tăng cân béo phì. Chẳng có nước gì bằng nước chè, nước vối, vừa mát, vừa tốt cho sức khỏe.

Rồi bố quay sang hỏi tôi:

- Con xuất ngũ cũng được mấy tháng rồi. Thế đã tính toán tiếp theo làm gì chưa?

Mẹ tôi cũng như rất nhiều người mẹ lúc nào cũng nghĩ con mình còn bé bỏng nghe bố hỏi tôi thì khẽ gắt lên:

- Ơ kìa cái ông này. Để cho con nó uống miếng nước xem nào. Cứ để nó nghỉ ngơi cái đã. Mà cần gì phải tính, nhà có ít rẫy, sau này cũng là của anh em nó. Ông nói vậy, hàng xóm lại nghĩ mình không lo được cho con, bắt nó bươn chải.

- Bà hay nhỉ. Nó là đàn ông con trai, thanh niên sức dài vai rộng, lại mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự về. Bà cứ để tôi hỏi con xem chí hướng của nó thế nào, chả nhẽ nó lại cứ thích quanh quẩn với mấy sào rẫy à! - Bố đáp.

truyen-cuoi.-png.png

Câu hỏi của bố cũng là điều mà tôi băn khoăn, trăn trở suốt mấy tháng nay. Hết tâm sự với bạn bè, đồng đội cũ, tôi lại lên mạng tìm hiểu. Thức trắng mấy đêm để tính toán, xem xét hết mọi nhẽ, tôi cũng đang định bàn với bố mẹ. Bố tôi nói đúng, tôi là thanh niên, sức dài vai rộng, tôi muốn có một nghề nghiệp gì đấy trong tay để ổn định cuộc sống, để có thể lo cho bản thân và giúp bố mẹ đỡ vất vả.

ADQuảng cáo

Trước khi được rèn luyện trong quân ngũ, tôi đã được rèn tính kỷ luật theo giờ giấc khi đi làm công nhân. Học xong cấp ba, tự biết sức mình không thể thi đậu các trường đại học, cũng không muốn quanh quẩn mãi ở nhà, tôi theo bạn xuống thành phố tìm việc làm. Ngoài tấm bằng tốt nghiệp cấp ba, tôi chẳng có nghề ngỗng gì trong tay nên nộp đơn xin vào làm công nhân ở một công ty may. Lần đầu tiên sờ vào chiếc máy may công nghiệp, đứa con trai vốn chỉ biết cầm bút, khi nào không bận học mới cầm đến cuốc xẻng giúp bố mẹ việc vườn rẫy lóng nga lóng ngóng. Học việc cả nửa tháng trời, bao nhiêu ngày tháo từng đường may xiên xẹo, mắc lỗi, chú ý từng tí một vì chỉ cần không cẩn thận sẽ bị kim đâm vào tay, chảy máu. Rồi cũng đến ngày được nhận vào làm chính thức, cầm những đồng lương đầu tiên đánh đổi bằng sức lực, bằng những giờ tăng ca miệt mài, tôi mừng đến chảy nước mắt. Không dám đi muộn dù chỉ một phút vì sợ bị trừ vào điểm chuyên cần, cố gắng tăng ca, tằn tiện, tôi cũng để dành được chút ít gửi về biếu bố mẹ, cho đứa em đang đi học vài đồng tham gia các hoạt động ngoại khóa. Mỗi lần nhận tiền, mẹ thở dài trong điện thoại. Mẹ bảo tôi sao phải xa nhà bươn chải cực khổ vậy, về nhà làm rẫy với bố mẹ cũng có đồng ra đồng vào, rồi nhắm được đám nào bố mẹ hỏi cưới cho. Tôi chỉ cười. Không đi ra ngoài, sao biết rằng kiếm được đồng tiền chân chính cũng đổ mồ hôi, sôi nước mắt.

Đại dịch kéo đến. Các công ty đóng cửa. Tôi trở về nhà. Những tháng ngày làm công nhân đã giúp tôi nhận ra, nhất định mình phải có một cái nghề gì đấy trong tay thì cuộc sống mới bớt bấp bênh, cơ cực. Nhưng trước khi tính đến chuyện học nghề, tôi cần thực hiện trách nhiệm của một thanh niên. Bố tôi là cựu chiến binh. Ông từng tham gia đánh giặc ở biên giới phía Bắc. Hết chiến tranh, ông đưa cả gia đình vào Tây Nguyên xây dựng vùng kinh tế mới. Những lúc cả nhà ngồi quây quần, nói chuyện, bố hay kể cho anh em chúng tôi nghe về những năm tháng chiến đấu ở biên giới, những năm tháng vừa lo khai hoang, trồng trọt, gây dựng kinh tế, vừa chống Fulro. Trải qua bao khó khăn, vất vả, bố mẹ tôi cố gắng để anh em tôi được học hành tới nơi tới chốn. Tuy không giàu có nhưng cuộc sống của gia đình tôi cũng không còn vất vả, thiếu thốn như trước. Những năm cà phê được giá, bố mẹ tôi cũng dành dụm, mua sắm thêm được đồ đạc trong nhà, sửa chữa lại nhà cửa cho rộng rãi, khang trang hơn. Kết thúc câu chuyện, bao giờ bố cũng bảo, làm đàn ông con trai, muốn làm gì thì làm, trước tiên cứ thực hiện trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc cái đã. Lúc ấy, có thể ưỡn ngực mà tự hào rằng mình đã được rèn luyện, được trưởng thành trong môi trường quân ngũ. Tôi học không giỏi nên không thể thực hiện được mong muốn thi vào các trường quân đội, công an như bố ao ước. Ngược lại, em gái tôi mười hai năm liền đều là học sinh xuất sắc. Nó đã thực hiện ước mơ vừa trở thành một người lính vừa là bác sĩ bằng quyết tâm thi đậu Học viện Quân y. Tôi theo lời bố động viên, lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Hai năm rèn luyện trong quân ngũ càng thêm nung nấu quyết tâm trong tôi. Tôi đã cùng đồng đội chia sẻ cùng nhau những dự định sau ngày xuất ngũ. Người thì quyết tâm ôn thi đại học, người về nhà phụ bố mẹ việc đồng áng, trang trại, kinh doanh, người bảo sẽ đi học nghề. Chúng tôi đã bàn bạc, phân tích với nhau, góp ý cho nhau từng chút một để xem nên đi học nghề gì cho phù hợp. Thằng Thắng, em út của tiểu đội vốn khéo tay, hay mày mò chế tạo những món đồ thủ công xinh xắn bằng dây kẽm, dây đồng, bằng những mẩu gỗ thừa vứt đi thì được khuyên đi học nghề mộc, làm những món đồ thủ công mỹ nghệ. Thằng Tùng chuyên gia sửa điện, nước thì được khuyên đi học nghề sửa chữa điện tử. Thằng Hùng “nông học”, mấy bồn hoa của đơn vị một tay nó gieo trồng, chăm sóc, cắt tỉa thì xác định sau này về học trồng, chăm sóc, tạo thế cây cảnh. Cả tập thể đã bàn nên chẳng trật đi đâu được. Xuất ngũ mấy tháng, thằng Tùng đã đi học mộc, nó khoe lên nhóm zalo của tiểu đội là đã được chủ giao đóng mấy món đơn giản cho khách. Thằng Hùng cũng khoe đã ươm được một vườn hồng, chỉ ít nữa sẽ mở cửa bán vé cho giới trẻ vào check in, chụp ảnh. Nó còn bảo, ngày khai trương sẽ mời cả tiểu đội đến chung vui, chụp ảnh miễn phí, tha hồ mà đăng lên mạng khoe.

Tôi nhấp một ngụm nước vối, nghe hương lá lan tỏa đến từng tế bào, mạch máu.

- Trước tết con đã đi tìm hiểu một số chỗ rồi bố mẹ ạ. Con tính đi học nghề chụp ảnh. Có tiệm đã nhận lời cho con vào học việc rồi nhưng con cũng còn suy nghĩ một số việc…

Từ thời còn đi học, đi làm công nhân rồi tham gia quân ngũ, mọi người vẫn thường bảo tôi có tâm hồn lãng mạn. Tôi có thể ngồi hàng giờ để ngắm một bụi cỏ, nhành hoa, một áng mây trôi lững lờ rồi tìm cách để ghi lại hình ảnh ấy bằng điện thoại. Tôi sắp xếp chúng thành những câu chuyện nho nhỏ, thú vị. Đồng đội hay bảo tôi, mày không đi chụp ảnh đám cưới, chụp ảnh kỷ niệm đúng là phí. Khách hàng tìm đến mày một công đôi việc, vừa có ảnh đẹp, các bức ảnh lại liên kết với nhau thành câu chuyện chứa đựng đầy kỷ niệm của họ. Nghe bạn bè nói, tôi thầm nghĩ, tại sao mình không biến sự yêu thích của mình thành khả năng, thành công việc. Nhưng tôi cũng trăn trở, không biết liệu mình có học hành đến đầu đến đũa. Rồi học nghề xong rồi, biết làm ở đâu cho phù hợp. Nơi tôi ở những dịch vụ này còn khá mới mẻ.

Bố nghe tôi nói ý định của mình cùng những băn khoăn khiến tôi còn chần chừ chưa dám quyết, trầm tư suy nghĩ. Một lúc, bố vỗ vai tôi:

- Chưa làm sao biết có được hay không. Bố thấy ý tưởng này khá phù hợp với con. Còn con đừng lo chuyện học xong thì làm ở đâu. Trước tiên cứ học cho đến đầu đến đũa, cho ra nghề đã. Nơi mình ở còn vắng vẻ nhưng lại có nhiều cảnh đẹp, nào thác, nào đồi thông, mấy nữa đường sá làm xong thì khách du lịch sẽ đến. Sẽ có nhiều người chọn làm nơi chụp ảnh cưới, chụp ảnh nghệ thuật.

Mẹ sợ tôi lo nghĩ đến tiền nong, vội vàng tiếp lời bố:

- Sợ con cái phá phách, lêu lổng chứ đi học nghề bố mẹ ủng hộ hết mình. Số tiền chế độ nghĩa vụ quân sự con gửi mẹ vẫn giữ, nếu cần mẹ sẽ đưa lại cho con đi học, sắm sửa thiết bị. Mấy năm nay cà phê được mùa, được giá, bố mẹ cũng dành dụm để sau này cho con làm vốn. Cứ yên tâm mà học cho ra nghề con nhé.

Trăng đã lên từ lúc nào, soi sáng khắp không gian rộng lớn và yên bình. Gió mang theo hơi nước mát lạnh. Bố tôi ngắm trời, khẽ bảo, sắp hết mùa khô để sang mùa mưa rồi. Mùa nước về, cây cối bừng lên sức sống tươi xanh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sang mùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO