Sáng kiến đầy kỳ vọng của nước Mỹ

HỒNG LĨNH| 24/03/2024 05:19

Ngày 18/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh về tăng cường nghiên cứu sức khỏe phụ nữ, được giới chức Nhà trắng nhấn mạnh là "gói hành động toàn diện nhất" nhằm thúc đẩy nghiên cứu sức khỏe phụ nữ, vì mục tiêu thu hẹp khoảng cách giới trong các thử nghiệm lâm sàng và chăm sóc sức khỏe.

Trước đó, trong Thông điệp liên bang hồi đầu tháng 3, Tổng thống Mỹ có nói tới sáng kiến này, đồng thời kêu gọi Quốc hội Mỹ phê duyệt 12 tỷ USD để hỗ trợ Quỹ sức khỏe phụ nữ do Viện Y tế quốc gia (NIH) giám sát, với lý do ngân sách thường chi không đủ cho vấn đề sức khỏe phụ nữ.

Sắc lệnh được Tổng thống Biden ký ban hành trong bối cảnh nhà lãnh đạo Mỹ đã giành đủ số phiếu đại biểu cần thiết để trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Nhà trắng vào tháng 11 tới. Truyền thông "Xứ cờ hoa" mau chóng làm rõ những điểm đáng chú ý trong sắc lệnh mới, trong đó nổi bật là yêu cầu tăng cường nghiên cứu về sức khỏe tuổi trung niên của phụ nữ và các bệnh phổ biến sau mãn kinh, gồm cả bệnh tim và loãng xương.

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS), bệnh tim là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất mà phụ nữ phải đối mặt sau thời kỳ mãn kinh. Ở tuổi 70, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tim tương tự nam giới cùng độ tuổi, đồng thời có nguy cơ đột qụy cao. Trong khi đó, loãng xương là nguy cơ khác mà phụ nữ sau mãn kinh phải đối mặt, do mất mật độ và khối lượng xương, cũng như do những thay đổi về cấu trúc xương.

Theo sắc lệnh mới, HHS được giao tăng cường thu thập dữ liệu về sức khỏe phụ nữ, nhất là sức khỏe thể chất và tinh thần ở độ tuổi trung niên, tìm giải pháp cải thiện quản lý các vấn đề sức khỏe liên quan thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ.

Bên cạnh yêu cầu tăng cường nghiên cứu sức khỏe phụ nữ sau mãn kinh, sắc lệnh mới của Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh mục tiêu để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các thử nghiệm lâm sàng. Theo các chuyên gia, việc nghiên cứu về vấn đề sức khỏe phụ nữ tại Mỹ lâu nay chưa được chú trọng nhiều và thiếu kinh phí.

Những năm 70 của thế kỷ trước, rất ít phụ nữ được đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng. Năm 1986, Viện Y tế quốc gia (NIH) ban hành chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia nghiên cứu, song giải pháp này không được áp dụng nhất quán. Năm 1993, Quốc hội thông qua đạo luật nhằm thiết lập các hướng dẫn cụ thể về việc phụ nữ, các nhóm chủng tộc và dân tộc thiểu số tham gia nghiên cứu lâm sàng.

Tuy vậy, phụ nữ vẫn chưa được ghi tên nhiều, nhất là vào giai đoạn đầu của thử nghiệm lâm sàng. Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy, phụ nữ chỉ chiếm từ 29-34% trong giai đoạn đầu thử nghiệm lâm sàng, do lo ngại về khả năng sinh sản. Trong sắc lệnh mới, Tổng thống Biden nhấn mạnh, sáng kiến sẽ nỗ lực cải thiện công tác tuyển chọn, ghi tên và giữ chân phụ nữ trong các nghiên cứu lâm sàng.

Chủ tịch sáng kiến Nhà trắng về nghiên cứu sức khỏe phụ nữ Carolyn Mazure cho biết, sắc lệnh này cũng sẽ tập trung vào các tình trạng bệnh khác ảnh hưởng sức khỏe phụ nữ, trong đó có bệnh Alzheimer và viêm khớp.

Chuyên gia lưu ý, dù phụ nữ chiếm một nửa dân số, song nghiên cứu về sức khỏe phụ nữ vẫn chưa được đầu tư đầy đủ và nghiên cứu kỹ lưỡng. Sáng kiến là cơ hội lớn để tạo ra thay đổi mang tính chuyển đổi, giúp cải thiện sức khỏe, cũng như cuộc sống của phụ nữ trên khắp nước Mỹ.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/sang-kien-day-ky-vong-cua-nuoc-my-post801322.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng kiến đầy kỳ vọng của nước Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO