Thực tế cho thấy, chỉ cần các THT hoạt động ở mức khá đã góp phần hỗ trợ, nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân. Trong đó, các thành viên THT có thể hỗ trợ, cùng nhau học tập, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, góp vốn đầu tư trang thiết bị, mang lại hiệu quả kinh tế.
Các thành viên THT sản xuất bơ an toàn Đắk Mil chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc bơ |
Điển hình tại THT sản xuất bơ an toàn Đắk Mil, hiện có 10 hộ sản xuất bơ tham gia. Diện tích sản xuất bơ của THT này đạt trên 40 ha với tổng sản lượng khoảng 300 tấn/năm.
Anh Nguyễn Văn Quảng, Tổ trưởng THT sản xuất bơ an toàn Đắk Mil cho biết, khi chưa thành lập THT, người dân mạnh ai nấy làm. Từ khi vào THT, bà con có điều kiện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất bơ nhiều hơn. Các công đoạn chăm sóc, bón phân, cây giống, cách phòng trừ sâu bệnh... thường xuyên được mọi người chia sẻ với nhau. Chính vì thế, cây trồng phát triển tốt hơn, mẫu mã sản phẩm cao hơn, từ đây bà con chủ động nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất.
Cũng theo anh Quảng, các thành viên trong THT đều gặp khó khăn về việc đạt được các chứng nhận nông nghiệp. Do đó, THT đã hỗ trợ bà con liên hệ với các tổ chức đánh giá chất lượng thực hiện các bước hồ sơ, thủ tục, kỹ thuật để được chứng nhận các tiêu chuẩn. Ngoài ra, THT hỗ trợ bà con tìm kiếm kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả...
Thành viên THT nuôi bò ở thôn 4, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) mong muốn được tập huấn kỹ thuật nuôi bò chất lượng cao |
Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhiều THT hoạt động còn hạn chế, số lượng tổ viên ít, trình độ quản lý, điều hành chưa cao. Nhiều THT hoạt động còn theo kinh nghiệm là chính. Do vậy, các THT chưa phát huy được tối đa hiệu quả kinh tế, thiếu tính bền vững. Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh chỉ có 152 THT, giảm 21 THT so với năm 2017. Việc hỗ trợ vốn cho THT cũng không nhiều. Giai đoạn 2018-2020, chỉ có khoảng 18 tỷ đồng từ Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững được hỗ trợ cho các THT.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Liên minh hợp tác xã... đẩy mạnh hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn bà con nông dân thành lập, tổ chức hoạt động THT. Trong đó, việc tổ chức, vận động, tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nông dân về những văn bản, chính sách, pháp luật liên quan khuyến khích thành lập, hoạt động, hỗ trợ THT đã được chú trọng.
Ngoài ra, tỉnh còn triển khai các chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vốn, quảng bá, tiếp cận thị trường cho các THT. Mặc dù vậy, số lượng, chất lượng mô hình THT trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Quan tâm tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi cho tổ viên THT nuôi bò của chúng tôi đã thành lập được 2 năm. Đàn bò của tổ viên ngày càng phát triển về số lượng, có lúc đạt hơn 100 con/6 hộ. Tuy nhiên, về kỹ thuật chăm sóc chủ yếu anh em làm theo kinh nghiệm cá nhân là chính, nên nhiều khi cũng xảy ra những trường hợp không hiệu quả. Do đó, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành ưu tiên, quan tâm nhiều hơn đối với việc tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh hiệu quả cho các thành viên trong THT. (Ông Vũ Quốc Việt, Tổ trưởng THT nuôi bò thôn 4, xã Nhân Cơ, Đắk R'lấp) *** Hỗ trợ nhiều hơn cho THT về xây dựng thị trường Khi vào THT, các thành viên có thể chung sức, hợp tác để sản xuất sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, vấn đề tìm kiếm, xây dựng, phát triển thị trường tiêu thụ lại khó khăn hơn, vì số lượng hàng hóa làm ra nhiều, trong khi thị trường tiêu thụ lại gặp không ít khó khăn. Do đó, chúng tôi mong mốn các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ giúp các THT xây dựng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ để thúc đẩy phát triển bền vững hơn. (Bà H’ Mai, thành viên THT Rượu Cần, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa) *** THT bước đệm cho HTX kiểu mới Các THT khi hoạt động hiệu quả sẽ làm bước đệm vững chắc để phát triển thành HTX. THT sẽ tạo ra những tiền đề, đáp ứng các yêu cầu cơ bản về quản trị, tài chính, sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường. Vì thế, các cấp, các ngành cần quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn cho các THT phát triển. Làm sao để các tổ hợp tác trở thành "mái nhà chung" tập hợp được bà con sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. (Ông Vũ Tô Hoài, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Quyết Tâm, xã Đắk Sin, Đắk R’lấp) |